Translation

GÓI ĐƯỜNG VIÊN


Truyện ngắn của Konstanstin Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Колотый сахар, 1937.

Vào một mùa hè phương Bắc, tôi đến thị trấn Voznesenye nằm bên hồ Onega.

Tàu thủy cập bến lúc nửa đêm. Vầng trăng bạc treo thấp trên mặt hồ. Sự hiện diện của nó ở đây – ở phương Bắc – là không cần thiết bởi vì từ lâu đã có những đêm trắng ngập tràn một thứ ánh sáng không màu. Ngày dài gần như không phân biệt được với đêm ngắn: ngày cũng như đêm, cả vùng đất rừng thấp này chìm trong ánh chạng vạng.

Một mùa hè không đúng nghĩa thường dấy lên những nỗi âu lo. Nó rất mong manh. Hơi ấm ít ỏi của mùa hè có thể bỗng dưng cạn kiệt. Do đó, ở phương Bắc, bạn bắt đầu trân quý từng luồng khí trời ấm áp ít ỏi, trân quý vầng mặt trời khiêm nhường, thứ biến các hồ nước thành những tấm gương, lấp lánh với mặt nước tĩnh lặng. Mặt trời ở phương Bắc không chiếu rọi mà chiếu như thể đã xuyên qua một lớp kính dày. Dường như mùa đông vẫn chưa qua đi mà chỉ ẩn mình đâu đó trong những cánh rừng, dưới các đáy hồ và từ đó ta vẫn hít thở được mùi tuyết.

Những cây bạch dương đã héo úa trong các khu vườn. Những chàng trai tóc bạch kim, chân trần đang ngồi bên bến tàu lán ván gỗ câu cá ốt-me[1]. Tất cả mọi thứ xung quanh họ dường như đều trắng, ngoại trừ những chiếc phao câu cá lớn màu đen. Các anh chàng không rời mắt khỏi chúng và thì thầm xin nhau điếu thuốc.

Một anh cảnh sát mặt đầy tàn nhang, có bộ tóc xù đang câu cá cùng với các anh chàng này.

“Thôi, không được hút thuốc trên bến tàu! Không nên có hành vi sai trái!!” – Lâu lâu anh lại hét lên, đồng thời những ngọn lửa thuốc lào rơi xuống mặt nước trắng xóa, rít lên rồi vụt tắt.

Tôi vào thị trấn để tìm chỗ ngủ. Theo sau tôi là một người đàn ông mập mạp, dáng vẻ hờ hững với mái tóc húi cua.

Ông ta đến sông Kovzha để làm nghề rừng. Ông mang theo một chiếc cặp màu xám với các bản tóm tắt và hóa đơn. Ông ta nói líu lô như một nhà quản lý doanh nghiệp thiếu năng lực: “hạn chế chi phí đi lại”, “chụp ảnh”, “tổ chức ăn nhẹ”, “vượt định mức thả bè gỗ”…

Bầu trời trở nên nhạt màu đi vì buồn tẻ cùng với sự hiện diện đơn thuần của người đàn ông này.

Chúng tôi đi dọc theo hè phố lát ván, lướt qua những cây dã anh đào đơm hoa trong những vườn đêm lạnh lẽo, những ngọn đèn mờ cháy sau những khung cửa sổ đang mở.

Trước cổng vườn của một ngôi nhà gỗ, một cô bé có đôi mắt ngời sáng, trầm lặng ngồi trên băng ghế dài, đang ru một con búp bê bằng vải vụn. Tôi hỏi cô bé liệu có thể ngủ lại qua đêm trong nhà này được không. Cô bé lặng lẽ gật đầu và dẫn tôi lên  cầu thang dốc kêu cót két đến một căn phòng sạch sẽ. Người đàn ông với mái tóc húi cua cũng kiên trì đi theo sau.

Trong phòng trên, có một bà lão đeo kính gọng sắt đang ngồi đan ở bàn, và một ông già người gầy gò, bụi bặm, mắt nhắm nghiền ngồi dựa vào tường.

“Bà ơi”, – cô bé nói và chỉ con búp bê vào tôi, – “đây là khách xin nghỉ lại qua đêm”.

Bà lão đứng dậy, cúi đầu chào tôi.

“Chào mừng, các anh bạn quý mến” – bà nói với một giọng ngân dài. – “Các anh được chào mừng như những vị khách danh dự. Chỉ có điều ở đây hơi chật chội, thông cảm nhé, tôi sẽ trải chăn đệm cho các anh ở trên sàn.”

“Đời sống ở mức thấp, nghĩa là nó được sắp xếp, người công dân ạ,” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói.

Sau đó, ông già mở mắt – chúng gần như trắng bệch như mắt người mù – và từ tốn trả lời:

“Những người như anh, nếu không mơ mộng, sẽ không mở mang được trí óc. Kiên nhẫn đi,  anh bạn sẽ quen thôi”.

“Người công dân, lão đang nói chuyện với ai thế!” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói – “Đây có phải ở đồn cảnh sát đâu!”

Ông già im lặng.

“Thôi, bác ơi,” – bà lão rầu rĩ nói, – “đừng bực mình với kẻ lang thang làm gì! ông ta vô gia cư, đó là một ông già lang thang, bác vặn vẹo ông ta để làm gì cơ chứ?”

Người đàn ông với mái tóc húi cua tỉnh hẳn lên! cắp mắt ông trở nên chán ngắt và chì đi. Ông ta đập mạnh chiếc cặp xuống bàn.

“Hẳn là một lão già lạc loài,” – ông ta nói một cách đắc thắng. – “Phải tìm hiểu rõ người mà bà đang cho trú lại này là ai. Lão ta là một kẻ đào tẩu từ trại cải tạo hay là một thầy tu bí ẩn? Bây giờ chúng ta sẽ tìm ra danh tính của lão ta. Tên lão là gì? Lão đến từ đâu?”

Ông già cười khúc khích. Cô gái đánh rơi con búp bê và môi run lên.

“Ta đến từ mọi nơi,” – ông già bình tĩnh trả lời. – “Không nơi nào có đất lạ đối với ta cả. Và tên ta là Alexander.”

“Thế lão đang làm nghề gì?”

“Ta là người gieo hạt và cũng là người thu lượm,” – ông già bình thản trả lời. – “Tuổi trẻ ta gieo và thu hoạch lúa mì, nay ta gieo những lời tử tế và thu lại những lời kỳ diệu khác. Chỉ có điều là ta không biết chữ – nên ta đành phải tiếp nhận mọi thứ bằng tai, và trông cậy vào trí nhớ của mình.”

Người đàn ông tóc húi cua dừng lại, bối rối.

“Lão  có giấy tờ gì không?”

“Có thì cũng có, chỉ là không dành cho những người như anh, anh bạn thân mến ạ. Giấy tờ của ta quý lắm đấy.”

“Chà,” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói, – “vậy thì chúng ta sẽ tìm ra người mà nó dành cho”.

Rồi ông ta bỏ đi, đóng sầm cửa lại.

“Một người đàn ông thô lỗ, chưa chín chắn,” – ông già nói tiếp sau khi dừng lại. – “Ở những người như vậy, cuộc sống chỉ diễn ra đơn điệu một màu”.

Bà lão đặt ấm samovar. Bà buồn bã than thở rằng bà không có lấy một viên đường nào trong nhà: bà đã quên mua nó. Ấm samovar phụ họa theo lời bà lão bằng tiếng reo rầu rĩ. Cô bé gái phủ lên bàn một chiếc khăn trải sạch và thô. Khăn trải bàn thoảng mùi bánh mì lúa mạch đen.

Bên ngoài cửa sổ đang mở, một vì sao cô đơn đang tỏa sáng. Nó trông lớn và mờ mờ – sự lẻ loi của  nó  dường như xa lạ giữa bầu bao la màu xanh lục.

Những buổi trà đêm không có gì lạ với tôi – từ lâu tôi biết rằng, vào mùa hè ở phương Bắc, người ta thường ít ngủ. Và vào lúc này, bên ngoài cửa sổ, ở cổng của ngôi nhà bên cạnh, có hai cô gái đang đứng ôm nhau ngắm nhìn mặt hồ mờ ảo. Mọi thứ xảy ra như mọi khi vào một đêm trắng, khuôn mặt của các cô gái dường như xanh xao đi vì niềm xúc động, vì nỗi sầu muộn và vẻ kiêu sa.

“Đó là hai thiếu nữ Komsomol người Leningrad,” bà già nói. – “Những cô con gái của các vị thuyền trưởng. Họ luôn đến đây mỗi mùa hè.”

Ông già ngồi nhắm mắt và im lặng, như đang lắng nghe. Rồi ông mở mắt và thở dài.

“Họ tới rồi!” – ông già buồn bã nói. – “Xin bà thứ lỗi cho tôi, vì để xảy ra điều ngu ngốc và phiền phức này.”

Cầu thang kêu cót két. Đã có quá nhiều người leo dọc lên nó. Người đàn ông với mái tóc húi cua bước vào mà không gõ cửa. Phía sau ông ta là anh cảnh sát tóc xù với vẻ mặt băn khoăn – đó người câu cá ở bến tàu. Người đàn ông với mái tóc húi cua hất đầu chỉ vào ông già.

“Nào lão”, – viên cảnh sát nghiêm nghị nói, – “Chúng ta xác định danh tính của lão nhé! Giấy tờ đâu?”

“Danh tính ta đơn giản thôi”, – ông già trả lời, – “lâu rồi mới kể. Hãy ngồi xuống và nghe nhé”.

“Khẩn trương đi!” – người cảnh sát nói. – “Tôi không có thời gian để ngồi, còn phải đưa lão về đồn.”

“Chúng ta sẽ dư thời gian để về đồn, anh bạn quý mến ạ, ở đồn chỉ nói chuyện vắn tắt, sẽ chẳng có ai để trao bầu tâm tư. Ta nay đã ngoài bảy mươi và ta sẽ chết đi không hôm nay thì ngày mai trong sân nhà của người khác. Vì vậy anh hãy nhịn mà nghe ta kể.”

“Vậy thì lão cứ việc”, – viên cảnh sát đồng ý. – “nhưng đừng rắc rối quá!”

“Rắc rồi làm gì cơ chứ!” Cuộc đời ta rất thuần túy, không có gì làm nó rắc rối cả. Tất cả những người mang họ Fedosyev như ta, từ xưa nay đều là người đánh xe ngựa và là ca sĩ. Ông nội ta, Prokhor là một ca sĩ vĩ đại, dọc suốt tuyến đường từ Pskov đến Novgorod, ông cất cao giọng hát như than van. Một người cần giữ gìn giọng hát của mình, và ông không phung phí nó cho người khác một cách vô ích. Ông của ta cẩn thận giữ gìn nó cho đến một ngày thì bị mất giọng. Anh bạn có thể đã biết hoặc không, có một người đồng hương nổi tiếng đã sống với chúng ta ở Pskov, đó là Alexander Sergeevich, nhà thơ Pushkin.”

Người cảnh sát cười mỉm:

“Tôi có biết điều này!”

“Vì ngài ấy mà ông của ta bị mất giọng. Họ gặp nhau tại hội chợ, trong tu viện Svyatogorsky. Ông nội ta đã hát và Pushkin đã lắng nghe. Sau đó, họ đến một quán rượu và ngồi lại đó cả đêm. Không ai biết họ đã trò chuyện những gì, chỉ biết rằng khi trở về nhà trông ông của ta rất phấn khích, như thể say rượu, mặc dù ông hầu như đã không uống gì. Rồi ông nói với bà của ta rằng: “Từ những lời nói và tiếng cười của người ấy, anh đã say, Nastya ạ, – những ngôn từ tuyệt diệu như thế – hay hơn bất kỳ bài hát nào của anh.” Ông nội ta có một bài hát mà Pushkin rất ngưỡng mộ.”

Ông già im lặng rồi đột nhiên cất tiếng hát với một giọng não nề:

“Ôi, trên những đồng trắng mênh mang.

Những giọt lệ đắng tuyết đã chôn vùi!”

Hai cô gái đi đến bên cửa sổ, ôm nhau lắng nghe. Người cảnh sát thận trọng ngồi xuống băng ghế.

“Đúng thế”, – ông già thở dài, – “bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ lúc ông cụ nhắm mắt khi đã trăm tuổi, ông đã dạy bảo con cháu của mình tiếp tục hát những bài ca đó. Tuy nhiên, ta không nói về điều này. Một ngày mùa đông nọ, người ta đánh thức ông của ta lúc giữa đêm, gõ cửa sổ và yêu cầu ông thắng ngựa chuẩn bị đi làm một việc khẩn cấp cho chính phủ. Ông bước ra khỏi hiên nhà, nhìn thấy có rất nhiều hiến binh đi xung quanh loảng xoảng với những cây kiếm sắt. Ông nghĩ rằng lần sẽ lại phải giải đi những người tù khổ sai. Tuy nhiên, không có tù nhân nào cả, mà đó là một chiếc quan tài màu đen nằm trên xe trượt tuyết, được buộc lại bằng dây thừng. Người này là ai, ông nghĩ,  kẻ đau khổ phải xuống mồ trong xiềng xích? Ai là kẻ mà ngay cả sau khi chết cũng khiến cho Sa hoàng phải sợ hãi? Ông đi tới chỗ quan tài, dùng găng tay phủi lớp tuyết trên chiếc nắp đen và hỏi người hiến binh: “Chúng ta đang đưa ai đi thế?” – “Pushkin”[2], – người hiến binh nói – “Anh ta bị giết ở Petersburg.” Ông của ta lùi lại một bước, cởi mũ và cúi đầu trước quan tài. “Chà, ông quen với anh ta hay sao?” – người hiến binh hỏi. “Tôi đã hát những bài ca cho anh ấy nghe.”- “Chà, giờ thì ông không còn hát cho anh ta nghe được nữa rồi!” Màn đêm trở nên nặng nề, dường như đặc lại, hơi thở trong lồng ngực ông như đông cứng. Ông buộc chuông lại để chúng không kêu leng keng, ngồi vào ghế rồi phóng cỗ xe đi. Chung quanh tĩnh mịch, chỉ nghe thấy tiếng vun vút của cỗ xe lao đi trong gió, tiếng những chiếc kiếm lách cách gõ vào quan tài. Trái tim ông như sôi lên, mắt ông rơm rớm lệ, dồn hết giọng ông hát: 

“Ôi, trên những đồng trắng mênh mang…”

Người hiến binh dùng bao kiếm đập vào lưng ông, nhưng ông hề không để ý, ông vẫn hát. Trở về nhà, ông nằm xuống giường, lặng thing: giọng ông lạnh như băng. Từ thời điểm đó cho đến khi qua đời, ông chỉ nói được với một giọng thủ thỉ khàn khàn.”

“Có nghĩa là ông ấy đã hát bằng cả trái tim mình,” anh cảnh sát lẩm bẩm, than thở.

“Tất cả mọi thứ, anh bạn thân mến ạ, phải xuất phải từ trái tim”, – ông già nói. – “Và anh đã định hỏi ta là ai và ta làm cái gì. Ta than van những bài ca. Đó là nghề nghiệp của ta. Đi giữa mọi người và ta hát. Ở những nơi nghe được một bài hát mới – ta sẽ ghi nhớ lại. Thí dụ như lời mà anh kể là một chuyện, và lời mà anh hát cũng cùng nội dung nhưng hóa ra lại là một chuyện khác” – anh bạn yêu quý ạ – “nó đi vào lòng người và làm cho trái tim rung động. Cần phải trân quý sức mạnh của tiếng hát. Những ai không thích ca hát là loại người không có quan niệm đúng đắn về cuộc đời. Và đừng lo lắng về giấy tờ, ta sẽ cho anh xem.”

Ông già với đôi tay run rẩy rút từ trước ngực một túi nhỏ màu xám và lấy ra một mảnh giấy.

“Đây, anh đọc nó đi!”

“Tại sao tôi phải đọc nó cơ chứ!” – viên cảnh sát cảm thấy như bị xúc phạm. – “Tôi không cần phải đọc nó vào lúc này. Tôi đã biết lão là ai. Ngồi xuống đi và hãy nghỉ ngơi. Còn ông bạn, người công dân”, – viên cảnh sát quay sang người đàn ông có mái tóc húi cua, – “sẽ tốt hơn nếu ông ngủ lại ở nhà của một nông dân, ở đó phù hợp hơn. Nào, tôi sẽ đưa ông đến đó.”

Họ đã đi ra ngoài. Tôi lấy tờ giấy từ tay ông già và đọc:

“Giấy này được trao cho Alexander Fedosyev chứng nhận rằng ông là một nhà sưu tập các bài hát dân gian và truyện cổ tích và ông nhận được tiền chu cấp từ chính phủ Cộng hòa Karelia[3] để làm việc này. Tất cả chính quyền địa phương được khuyến khích hỗ trợ ông bằng mọi cách có thể.”

“Ôi, buồn thật!” – ông già nói. – “Không có gì tệ hơn khi tâm hồn con người khô héo. Tàn úa đi vì sống một cuộc đời như vậy, như cỏ úa đi vì sương thu.”

Chúng tôi ngồi xuống uống trà. Hai cô gái ôm nhau đi đến hồ, những chiếc váy vải hoa dung dị của họ sáng lên cùng với ánh chạng vạng của màn đêm. Vầng trăng mờ chìm trong nước, một chú chim đêm rầu rĩ kêu than trong khu vườn, ở giữa những cây bạch dương.

Cô bé có đôi mắt ngời sáng đi ra phố, ngồi trước cổng ru con búp bê bằng vải vụn. Tôi nhìn thấy cô bé từ cửa sổ. Anh cảnh sát tóc xù tiến lại gần, dúi vào tay cô một gói đường viên và những chiếc bánh quy vòng.

“Hãy đưa nó cho ông cụ,” – anh nói và đỏ mặt. – “Hãy nói đó là một món quà. Bản thân chú không có thời gian, chú còn phải quay về đồn”.

Anh cảnh sát nhanh chóng rời đi. Cô bé mang về nhà gói đường viên và những chiếc bánh quy vòng. Ông già cười tươi.

“Ta sẽ sống,” – ông già nói, lau đôi mắt ngấn nước, – “thêm một thời gian dài nữa. Thật đáng tiếc khi phải chết, phải xa rời tình cảm của con người. Thật đáng tiếc biết bao! Khi ta nhìn vào rừng cây, vào làn nước sáng, vào những đứa trẻ và cả vào đám cỏ dại nữa, ta không đành lòng muốn chết.”

“Và ông sẽ tiếp tục sống, người đáng quý ạ!” – bà lão nói. – “Ông sẽ sống một cuộc sống nhẹ nhàng và dung dị, như cách mà ông đã sống.”

Đến chiều, tôi rời Voznesenye để đi Vytegra. Chiếc tàu hơi nước nhỏ “Svir” chạy dọc theo con kênh, mạn tàu chạm lướt vào những lùm cỏ mọc ven bờ.

Thị trấn chìm vào màn sương mờ đục nhẹ nắng, vào sự tĩnh lặng và xa vắng của một ngày hè, và rồi những khu rừng thấp đã choàng lấp lấy chúng tôi vào trong một vòng tròn bóng tối. Mùa hè nhợt nhạt của phương Bắc đang đến ở xung quanh, e thẹn như những đứa trẻ địa phương với đôi mắt sáng ngời.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: N. Kuzmin, 1940.

Ghi chú

[1] Cá ốt-me: là một giống cá nhỏ, tên khoa học Osmerus eperlanus.

[2] Alexander Pushkin: nhà thơ vĩ đại người Nga. Ông qua đời ngày 29 tháng 1 năm 1837, sau khi bị trọng thương vì một cuộc đấu súng với Georges-Charles d’Anthès. Do sinh thời ông viết nhiều tác phẩm bất đồng chính kiến với chế độ Nga hoàng nên đám tang của ông bị hạn chế và cản trở, và cuối cùng thi hài của ông bị bí mật mang đi vào lúc nửa đêm từ Petersburg đến an táng ở gần tu viện Svyatogorsky ở tỉnh Pskov.

[3] Cộng hòa Karelia: là nước cộng hòa tự trị, nằm phía tây bắc nước Nga giáp với Phần Lan. Phía nam nước cộng hòa này là hồ Onega và hồ Ladoga, hai hồ lớn nhất của châu Âu.

Translation

CHÚ MÈO “KẺ CẮP”


Truyện ngắn của Konstantin Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Кот-ворюга, 1936.

Chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng, không biết làm cách nào để bắt được con mèo mướp lông vàng này. Nó đi chôm đồ của chúng tôi mỗi đêm. Con mèo lẩn khéo đến nỗi không ai trong chúng tôi thực sự nhìn thấy nó cả. Chỉ một tuần sau, người ta mới xác định được rằng con mèo này bị sứt tai và một phần đuôi bẩn thỉu của nó đã bị đứt. Đó là một con mèo mất nết, một kẻ lưu manh và là một tên cướp chính hiệu. Họ gọi sau lưng nó là mèo “Kẻ cắp”.

Nó chôm tất tật mọi thứ: từ cá, thịt, kem chua cho đến bánh mì. Thậm chí có lần nó còn lục lọi chiếc lon thiếc đựng giun trong phòng xép. Nó không hề đụng răng tới một con, nhưng những chú gà đã nhanh chân chạy ngay đến cái lon bị mở và xơi hết số giun dự trữ của chúng tôi. Đàn gà no bụng nằm phơi nắng cục ta cục tác. Chúng tôi chỉ biết đi quanh chúng và chửi thề: thế là việc đi câu đã bị cản trở.

Chúng tôi đã dành gần một tháng để theo dõi con mèo vàng. Các chú nhóc trong làng đã giúp chúng tôi làm việc này. Một hôm nọ, chúng chạy đến, thở không ra hơi, và nói rằng vào lúc bình minh, con mèo đã chạy lướt qua, luồn mình xuyên qua các khu vườn và cắp theo một xâu đầy cá rô. Chúng tôi lao ngay vào hầm và thấy xâu cá đã mất tích; đó là mười con cá rô béo ngậy vừa mới bắt từ hồ Prorva. Đây không còn là trộm cắp nữa, mà là cướp giữa ban ngày. Chúng tôi thề sẽ tóm được con mèo và nện cho nó một trận vì thủ đoạn xảo trá của bọn kẻ cướp.

Con mèo đã bị bắt vào ngay chiều tối hôm đó. Nó lấy trộm một miếng xúc xích gan trên bàn và trèo tót lên trên cây bạch dương. Chúng tôi bắt đầu lắc thân cây. Con mèo làm rớt chiếc xúc xích, nó rơi trúng ngay đầu của Reuben. Nó nhìn chúng tôi từ trên cao với đôi mắt hung hăng và gừ lên hăm dọa. Nhưng không còn lối thoát thân nào, và con mèo đã quyết định một hành động tuyệt vọng. Với một tiếng gào kinh hoàng, nó cào rách vỏ thân cây bạch dương, ngã xuống đất, nhảy như một quả bóng rồi lao vào gầm nhà.

Căn nhà nhỏ, nằm trong một khu vườn bỏ hoang hẻo lánh. Mỗi đêm chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng động của những quả táo dại rụng từ trên cành xuống mái nhà lợp gỗ. Căn nhà ngổn ngang nào là cần câu, súng săn, táo và lá khô. Chúng tôi thường chỉ qua đêm trong đó. Suốt cả ngày, từ bình minh đến tối mịt, chúng tôi lang thang bên bờ của không đếm xuể là bao nhiêu khe suối và hồ nước. Ở đó, chúng tôi câu cá và đốt lửa ở những bụi cây ven bờ. Để đến các bờ hồ, người ta đành phải giẫm chân vào những lùm cỏ cây cao có hoa thơm ngát thành những lối mòn hẹp. Những đài hoa đung đưa trên đầu và rắc đầy phấn hoa vàng lên vai chúng tôi. Trở về nhà lúc chiều tối, chúng tôi trông như một bó tường vi nhàu nhát, mệt mỏi, cháy nắng, với những xâu cá bạc, và mỗi lần như thế chúng tôi lại được chào đón bằng những câu chuyện về trò nghịch ngợm lưu manh mới đây của con mèo vàng. Nhưng cuối cùng, nó đã bị tóm. Con mèo đã chui xuống gầm nhà qua một cái lỗ hẹp duy nhất. Chẳng còn đường nào thoát ra.

Chúng tôi lấp cái lỗ lại bằng một tấm lưới đánh cá cũ và bắt đầu chờ đợi. Nhưng con mèo không chịu chui ra. Nó gào lên ghê tởm, như một linh hồn dưới lòng đất, gầm gừ lên liên tục và không hề mệt mỏi. Một tiếng đồng hồ trôi qua, rồi hai, ba tiếng… Đã đến giờ đi ngủ nhưng con mèo vẫn gào thét chửi bới dưới gầm nhà làm chúng tôi chột dạ.

Sau đó Lyonka, con trai của một thợ đóng giày trong làng, được mời tới. Lyonka nổi tiếng gan dạ và khéo léo. Cậu ta được chúng tôi ủy thác để lôi con mèo ra khỏi gầm nhà. Lyonka lấy một sợi dây lụa, buộc ở đầu dây một con cá chép pigus[1] vừa bắt được lúc trưa, và ném qua lỗ xuống nền đất. Tiếng gào dừng hẳn. Chúng tôi nghe thấy rõ tiếng răng rắc và tiếng đớp mồi tham tàn – con mèo dùng răng ngoạm chặt vào đầu con cá. Nó đã bám phải một miếng nắm tử thần. Lyonka kéo sợi dây lên, con mèo tuyệt vọng chống trả, nhưng Lyonka mạnh hơn, ngoài ra, con mèo cũng không muốn buông miếng cá ngon béo. Một phút sau, đầu của con mèo, với con cá chép ngoạm chặt trong răng, ló ra khỏi lỗ hở. Lyonka thó lấy cổ con mèo và nhấc nó lên khỏi mặt đất. Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát nó một cách chính xác.

Con mèo nhắm nghiền mắt và cụp tai lại. Nó ngoẹo đuôi để đề phòng. Hóa ra đó là một con mèo gầy gò, mặc dù đã liên tục chôm đồ, một con mèo hoang lông hung vàng như bốc lửa với những đốm trắng trên bụng.

Sau khi xem xét con mèo, Reuben trầm ngâm hỏi:

“Chúng ta phải làm gì với nó đây?”

“Xé xác nó ra!” – Tôi nói.

“Sẽ không ích gì đâu,” Lyonka nói. – “Từ khi còn nhỏ tính nó đã như vậy. Hãy cố gắng nuôi dưỡng nó cho đúng cách.”

Con mèo chờ đợi, mắt nhắm nghiền. Chúng tôi làm theo lời khuyên của Lyonka, kéo con mèo vào gian xép và dọn cho nó một bữa tối tuyệt vời: thịt lợn rán, cá rô phi, pho mát và kem chua. Con mèo đã ăn trong hơn một giờ. Nó loạng choạng bước ra từ phòng xép, ngồi xuống bậc cửa và liếm láp, nó ngước lên nhìn chúng tôi và nhìn những vì sao mọc thấp với đôi mắt ngổ ngáo màu xanh lục. Rửa mặt xong, nó khịt mũi một hồi lâu rồi dụi đầu xuống sàn. Điều này rõ ràng có nghĩa là vui vẻ. Chúng tôi đã sợ rằng nó sẽ cọ mòn hết cả lông sau gáy. Rồi con mèo lộn lưng quay tròn, bắt lấy cái đuôi của mình, nhai, nhả nó ra, rồi nằm ườn ra bên bếp lò và ngáy một cách bình an.

Kể từ hôm đó, con mèo ổn định cuộc sống với chúng tôi và không còn trộm cắp nữa. Sáng hôm sau, nó thậm chí còn thực hiện một hành động nghĩa hiệp và bất ngờ. Những con gà leo lên một cái bàn đặt ở trong vườn, xô đẩy nhau và cãi vã, bắt đầu bới tung tóe cháo kiều mạch ra từ đĩa. Con mèo rùng mình vì bực tức, rón rén đến chỗ bầy gà và nhảy phóc lên bàn cùng với một tiếng gừ ngắn ngủi tỏ vẻ đắc thắng. Lũ gà cục tác trong tuyệt vọng. Chúng hất ngược bình sữa và nhảy xuống, vãi rụng cả lông, bỏ chạy ra vườn.

Trước mặt là một con gà trống cao cẳng ngu độn vừa phóng vụt đi vừa nấc cụt, nó còn có biệt danh là “Cái họng”. Con mèo rượt theo nó bằng ba chân, và với chân thứ tư là chân trước, vồ đập vào lưng con gà trống. Bụi và lông gà tung tóe hết cả lên. Với nó, cú đòn là một cái gì đó đập mạnh và ù ù, như thể con mèo đã đánh trúng vào một quả bóng cao su. Sau đó, con gà trống lăn ra lên cơn vài phút, trợn ngược mắt và rên nhẹ. Sau khi được dội nước lạnh lên người, nó lui đi. Từ đó, lũ gà sợ như mất trộm. Nhìn thấy con mèo, chúng chen nhau núp dưới nhà với tiếng chiêm chiếp thảm thiết.

Con mèo đi lại trong nhà và vườn vừa như một ông chủ và vừa như một người gác giữ. Nó dụi đầu vào chân chúng tôi. Con mèo để lại những mảnh len vụn màu đỏ trên quần của chúng tôi, như đòi hỏi được biểu dương. Chúng tôi đổi tên nó từ mèo “Kẻ cắp” thành mèo “Cảnh sát”. Mặc dù Reuben quả quyết rằng điều đó sẽ không được thuận tiện cho lắm, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng cảnh sát sẽ không quấy rầy chúng tôi vì điều này.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: G.I. Epishin, 1987

Ghi chú

[1] Cá chép pigus: một giống cá chép bản địa của Châu Âu, tên khoa học là Rutilus pigus.

Translation

MŨI CON LỬNG


Truyện ngắn của Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Барсучий нос, 1935.

Mặt hồ gần bờ được phủ đầy một lớp lá vàng. Có nhiều lá rụng đến nỗi chúng tôi không thể câu cá ở đó. Dây câu nằm trên trên lớp lá và không tài nào chìm xuống nước được.

Chúng tôi phải chèo một chiếc thuyền cũ ra giữa hồ, nơi có những bông hoa súng đang nở rộ và làn nước xanh sẫm đen như bồ hóng.

Ở đó chúng tôi đã câu được những con cá rô vây đỏ[1] sặc sỡ. Chúng giãy giụa và óng ánh trên cỏ như những chú gà trống trong truyện cổ tích Nhật Bản. Chúng tôi còn kéo lên được một vài con cá chép rutilus[2] màu ánh thiếc và một con cá dày[3] có đôi mắt tựa như hai mặt trăng tí hon. Và những con cá măng[4] thì rình rập táp vào chúng tôi bằng những chiếc răng bé như kim.

Mùa thu đang vào độ ngập đầy nắng và đẫm sương mai. Xuyên qua khu rừng lá rụng, người ta có thể nhìn thấy những đám mây xa và bầu khí trời đang xanh đặc lại. Về đêm những ngôi sao mọc thấp như đang lay động và chập chờn trong những lùm cây xung quanh.

Gần lều, đống lửa đang bập bùng cháy. Chúng tôi đốt lửa cả ngày lẫn đêm để xua lũ sói – chúng vẫn rú lên lặng lẽ ở gần bờ hồ phía xa. Lũ sói thấy bị quấy rầy bởi đám khói lửa và tiếng hò reo vui vẻ của con người.

Chúng tôi đinh ninh rằng ngọn lửa sẽ làm sợ hãi bất cứ loài động vật nào, nhưng vào một tối nọ, trong đám cỏ gần đống lửa, chúng tôi nghe thấy một con thú nào đó đang thở phì phò một cách giận giữ. Nhưng không ai không nhìn thấy nó đâu. Nó băn khoăn chạy chạy xung quanh chúng tôi, làm xào xạc những lùm cỏ cao, khịt mũi và tức giận, nhưng chẳng hề mảy may thò mình khỏi bụi cỏ, dù chỉ là một cái tai.

Khoai tây đang được chiên trong chảo, tỏa lên mùi thơm hăng hắc, và rõ ràng là con vật đã tìm đến đây vì đánh hơi được thứ mùi này.

Có một cậu bé đang ở chỗ chúng tôi. Mới chín tuổi đầu nhưng cậu lại rất giỏi chịu đựng những đêm dài ngủ lại trong rừng và cái tê lạnh của rạng sáng mùa thu. Cậu bé có thể nhận ra và mô tả về mọi mọi thứ tốt hơn nhiều so với đám người lớn chúng tôi.

Đó là một chú nhóc có tài tưởng tượng, nhưng người lớn chúng tôi lại yêu thích những ý nghĩ hay ho ấy của cậu bé. Chúng tôi không thể, và cũng không muốn chứng minh cho cậu bé thấy rằng cậu ta đang bịa chuyện. Mỗi ngày cậu đều nghĩ ra một điều gì đó mới mẻ: lúc thì cậu nghe thấy tiếng những chú cá thì thầm với nhau, lúc thì nhìn thấy cách đàn kiến làm một cái phà để băng qua con suối bằng vỏ thông và mạng nhện.

Chúng tôi giả vờ tin cậu bé.

Mọi thứ xung quanh chúng tôi đều có vẻ khác thường: ánh trăng khuya soi bóng trên mặt hồ đen, và những đám mây cao như núi tuyết màu hồng, và cả tiếng xào xạc quen thuộc tựa như tiếng sóng biển của những cây thông cao.

Cậu bé là người đầu tiên nghe thấy tiếng khịt mũi của con thú và khẽ rít lên bảo chúng tôi im lặng. Chúng tôi đành yên lặng, thậm chí cố nín thở, mặc dù tay bất giác với tới khẩu súng hai nòng – ai mà biết nó có thể là loại dã thú gì cơ chứ!

Nửa giờ sau, con thú thò ra ra khỏi lùm cỏ một cái mũi đen xì ẩm ướt, trông giống như mũi lợn. Cái mũi khụt khịt không khí một hồi lâu rồi rung lên như thể đang thèm thuồng. Sau đó, một cái mõm nhọn với đôi mắt đen sắc lạnh ló ra khỏi bãi cỏ. Sau cùng là bộ lông sọc xuất hiện.

Một con lửng nhỏ nhô lên từ bụi rậm. Nó nhón một chân lên và chăm chú nhìn thăm dò tôi. Sau đó nó khịt mũi một tiếng tởm lợm và tiến bước về phía chảo khoai tây.

Chảo đang chiên và xèo xèo bắn ra xung quanh những giọt mỡ sôi. Tôi muốn hét lên với con vật rằng nó bị sẽ bị bỏng, nhưng đã muộn – con lửng chồm lên chảo và chúi ngay cái mũi vào đó…

Mùi da cháy tỏa ra khen khét. Con lửng ré lên và kêu gào tuyệt vọng, lao mình trở lại bãi cỏ. Nó vừa chạy vừa kêu la um sùm cả khu rừng, phá gãy bụi cây và liên tục nhổ nước bọt vì vừa tức giận vừa đau đớn.

Sự hoảng hốt bắt đầu lan ra trên hồ và vào trong khu rừng. Ếch nhái hoảng sợ ộp oạp kêu không ngừng, chim chóc bay lên nhốn nháo, và một con cá măng nặng cả pud[5] nào đó ở gần bờ quẫy mạnh như một phát bắn đại bác.

Vào buổi sáng, cậu bé đánh thức tôi và kể cho tôi nghe rằng chính mắt cậu vừa chứng kiến con lửng đang chữa trị cho chiếc mũi bỏng của mình. Tôi không hề tin điều đó.

Ngồi cạnh bếp lửa tôi ngái ngủ lắng nghe những tiếng chim ban mai. Xa xa, những chú chim cao cẳng đuôi trắng se sẽ hót, những chú vịt càng cạc kêu, những chú sếu gọi đàn quanh đầm lầy cạn nước, những chú cá quẫy mình lách chách và những chú bồ câu khẽ gù gù. Tôi chẳng muốn đi đâu hết.

Cậu bé kéo tay tôi. Cậu cảm thấy bị xúc phạm. Cậu bé muốn chứng minh cho tôi thấy rằng cậu không hề nói dối. Cậu gọi tôi ra để đi xem con lửng được chữa trị như thế nào.

Tôi miễn cưỡng đồng ý. Chúng tôi cẩn thận rẽ qua các bụi rậm, và ở giữa những lùm thạch nam, tôi thấy một gốc thông mục nát, thoang thoảng có mùi của những cây nấm và chất i-ốt.

Con lửng đứng ngay cạnh gốc thông, quay lưng về phía chúng tôi. Nó xé toạc gốc cây và thọc cái mũi cháy vào đó, vào ngay giữa lớp mùn gỗ ướt và lạnh.

Nó đứng bất động, làm mát cái mũi bất hạnh của mình, trong khi một con lửng nhỏ khác chạy lại gần và khịt mũi xung quanh. Nó lo lắng và dùng mũi cố đẩy vào bụng con lửng của chúng tôi. Con lửng của chúng tôi gầm gừ và đá con lửng nhỏ kia ra bằng cặp chân sau đầy lông của nó.

Sau đó con lửng ngồi xuống và kêu khóc. Nó nhìn chúng tôi với đôi mắt tròn vo đẫm ướt, rên rỉ và liếm chiếc mũi đau bằng chiếc lưỡi thô ráp của mình. Nó dường như đang cầu xin sự giúp đỡ, nhưng chúng tôi đã không thể giúp được gì.

Một năm sau, tôi gặp con lửng với vết sẹo trên mũi ở bờ hồ. Nó ngồi bên mặt nước và rướn chân ra cố bắt những con chuồn chuồn đang lạo xạo chao liệng như những mảnh thiếc. Tôi vẫy tay với nó, nhưng nó lẫy giận hắt hơi về phía tôi rồi trốn vào bụi cây việt quất.

Kể từ hôm đó, tôi không bao giờ bắt gặp lại con lửng ấy nữa.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: V. Fedotov, 1977.

Ghi chú

[1] cá rô vây đỏ: hay còn gọi cá rô Châu Âu, tên khoa học là Perca fluviatilis.

[2] cá chép rutilus, là một giống cá chép bản địa ở Châu Âu. Tên khoa học Rutilus rutilus.

[3] cá dày: một giống cá rô nhỏ, tên khoa học là Gymnocephalus cernua.

[4] cá măng: một giống cá ăn thịt, có thể nặng đến 28 kg. Tên khoa học là Esox lucius.

[5] pud: đơn vị đo độ dài cũ của Nga: 1 pud=16.38 kg.