Translation

GIÃ TỪ MÙA HẠ


Truyện ngắn của Konstantin Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Прощание с летом, 1940.

Trong nhiều ngày, cơn mưa lạnh trút nước xuống không ngừng. Một cơn gió ướt át xào xạc cả khu vườn. Từ bốn giờ chiều chúng tôi đã thắp đèn dầu, bất giác như là mùa hạ đã vĩnh viễn bước qua và mặt đất ngày càng trôi sâu vào trong sương mù, vào trong bóng tối và cái rét căm khó chịu.

Lúc này đã là cuối tháng mười một – thời điểm buồn bã nhất trong làng. Chú mèo ngủ nướng cả ngày, cuộn tròn trên chiếc ghế bành cũ, và rùng mình giữa giấc ngủ khi bị những giọt nước thẫm đen hắt vào từ cửa sổ.

Những con đường bị xói lở. Một lớp bọt màu vàng nhạt như váng sữa trôi theo dòng nước. Những con chim cuối cùng đã nấp dưới mái hiên, và hơn một tuần nay chẳng hề có ai đến thăm chúng tôi: ông lão Mitry, Vanya Malyavin đều không đến, và giám đốc sở kiểm lâm cũng không.

Buổi tối là thời gian tuyệt nhất. Chúng tôi nhóm bếp lò. Lửa cháy bập bùng, phản chiếu một màu đỏ lập lòe lên các bức tường gỗ, và lên một bản khắc cũ – bức chân dung của hoạ sĩ Bryullov. Lưng tựa vào ghế, ông ta nhìn chúng tôi và dường như cũng giống với chúng tôi, đặt cuốn sách đang mở sang một bên, ngẫm nghĩ về những điều vừa đọc và lắng nghe tiếng mưa rì rào trên mái hiên lợp ván.

Những ngọn đèn cháy sáng, và chiếc ấm samovar “tàn tật” bằng đồng vẫn reo đi reo lại khúc ca giản đơn của nó. Ngay khi được mang vào phòng, nó lập tức trở nên thoải mái – có lẽ là vì những ô kính đã mờ đi vì sương và không còn thấy rõ nữa cành bạch dương lẻ loi cả ngày lẫn đêm gõ mình lên cửa sổ.

Sau buổi trà, chúng tôi ngồi bên bếp lò và đọc sách. Vào những buổi tối như vậy, thú hơn cả là đọc những cuốn tiểu thuyết rất dài và cảm động của Charles Dickens hoặc lướt qua những tập nặng trịch của tạp chí Niva và Zhivopisnoye Obozrenye xuất bản từ những năm xưa.

Vào ban đêm, Funtik, một chú chó dachshund[1] nhỏ có bộ lông đỏ, thỉnh thoảng lại kêu hét giữa cơn mộng mị. Tôi đành phải đứng dậy và trùm cho nó một chiếc chăn len ấm áp. Funtik dường như đang tỏ lòng biết ơn trong mơ, dè dặt liếm tay tôi, thở phào rồi lại thiếp đi. Bóng tối sau những bức tường ồn ã với những cái tạt của mưa và cú thốc của gió, và thật đáng sợ khi nghĩ đến những con người gặp phải đêm bão tố như vậy khi đang ở giữa khu rừng tối âm u.

Một đêm nọ, tôi thức dậy với một cảm giác kỳ lạ. Tôi ngỡ như rằng đã bị điếc trong một giấc mơ. Tôi nhắm mắt lại, lắng nghe một quãng lâu, và cuối cùng nhận ra rằng tôi không hề điếc, mà chỉ đơn giản là do sự yên tĩnh lạ thường phía bên ngoài những bức tường của ngôi nhà. Sự yên tĩnh này được gọi là “chết lặng”. Mưa, gió chết lặng, và cả khu vườn ồn ã không yên cũng đã chết lặng. Người ta chỉ có thể nghe thấy tiếng ngáy của chú mèo đang ngủ say.

Tôi mở mắt. Ánh sáng trắng và đằm tràn ngập khắp căn phòng. Tôi đứng dậy và đến bên cửa sổ – đằng sau ô cửa kính mọi thứ chỉ toàn là tuyết và tĩnh lặng. Trên bầu trời mù sương, vầng trăng cô đơn treo trên cao đến chóng mặt, và xung quanh nó lấp lánh một vòng tròn vàng nhạt.

Tuyết đầu mùa rơi từ lúc nào? Tôi lại gần chiếc đồng hồ quả lắc. Phòng sáng đến nỗi có thể thấy rõ những mũi kim hiện lên đen thẫm. Đồng hồ chỉ hai giờ sáng.

Tôi đã ngủ quên từ nửa đêm. Điều này có nghĩa là trong vòng hai giờ, trái đất đã thay đổi một cách lạ thường, trong hai giờ ngắn ngủi, cái lạnh giá buốt đã làm say đắm những cánh đồng, những khu rừng và các mảnh vườn.

Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy một chú chim lớn màu xám đang đậu trên cành phong trong vườn. Cành cây đung đưa, tuyết đổ xuống. Chú chim chậm rãi nhấp mình lên và bay đi, và tuyết tiếp tục rơi như mưa thủy tinh trút xuống cây thông Noel. Sau đó mọi thứ yên ắng trở lại.

Reuben tỉnh dậy. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc lâu, thở dài và nói:

“Tuyết đầu mùa thật hòa hợp với mặt đất.”

Mặt đất duyên dáng như một nàng dâu đang e ấp.

Và vào buổi sáng, mọi thứ xung quanh đều răng rắc giòn tan: những con đường đóng băng, những chiếc lá trước hiên nhà, những nhánh cây tầm ma đen nhô ra từ dưới tuyết.

Ông lão Mitry đến thăm và uống trà mừng chuyến đi bộ đầu mùa tuyết.

“Thế là mặt đất đã được gội sạch,” – ông nói, – “bằng nước tuyết từ một cái chậu bạc”.

“Cụ lấy những lời này từ đâu vậy, cụ Mitry?” – Reuben hỏi.

“Không đúng sao?” – ông già nhoẻn miệng cười. – “Người mẹ đã khuất của tôi nói rằng vào thời xưa, những người đẹp rửa mặt mình bằng tuyết đầu mùa từ một cái chum bạc và vì thế vẻ đẹp của họ không bao giờ tàn phai. Khi đó là trước cả thời Sa hoàng Peter cơ, anh bạn yêu quý  ạ, thời mà bọn cướp còn tung hoành trong các khu rừng địa phương làm khánh kiệt các lái buôn.”

Thật khó để ở yên trong nhà vào ngày đầu tiên của mùa đông. Chúng tôi đi dạo đến các hồ trong rừng. Ông lão Mitry đi cùng chúng tôi đến bìa rừng. Ông cũng muốn đi vào thăm các hồ, nhưng “xương khớp cứ đau nhức không yên.”

Khu rừng trang nghiêm, tươi sáng và tĩnh mịch.

Ngày dường như đang thiu thiu ngủ. Những bông tuyết cô đơn thỉnh thoảng rơi xuống từ vòm trời cao u ám. Chúng tôi thận trọng phả hơi thở vào tuyết, và chúng biến thành những giọt nước tinh khiết, sau đó trở nên mờ đi, đông cứng lại và lăn xuống đất như những hạt cườm.

Chúng tôi lang thang trong rừng cho đến khi trời chạng vạng, dạo quanh những địa điểm quen thuộc. Bầy hồng tước[2] xù lông co mình trong những bụi thanh lương trà[3] phủ đầy tuyết.

Chúng tôi hái vài chùm thanh lương trà đỏ bị giam trong băng giá – đó là ký ức cuối cùng của cả mùa hạ và mùa thu.

Trên một cái hồ nhỏ, – được gọi là đầm Larin – nơi thường có nhiều bèo tấm nổi lềnh bềnh. Bây giờ nước trong đầm rất thẫm màu và trong veo – tất cả bèo tấm đã chìm xuống đáy vào mùa đông.

Một dải băng tựa như thủy tinh đang mọc ra ở gần bờ đầm. Lớp băng trong suốt đến mức khó có thể nhìn thấy nó ngay cả khi lại gần. Tôi nhìn thấy một đàn chép pigus đang bơi trong vùng nước gần bờ, và ném một viên đá nhỏ vào chúng. Viên đá rơi xuống mặt băng, dội vang lên, những chú cá chép trong bộ vảy óng ánh giật mình lao xuống đáy, và cú ném để lại một vệt trắng sần sùi trên lớp băng. Đó là lý do duy nhất tại sao chúng tôi lại đoán được rằng có một lớp băng đã hình thành gần bờ đầm. Chúng tôi dùng tay bóp vụn từng miếng băng. Chúng giòn tan và để lại một thứ hỗn hợp mùi giữa tuyết và việt quất trên những ngón tay.

Ở đây đó giữa các khoảng rừng thưa, những chú chim bay qua và kêu rên rầu rĩ. Bầu trời trên đầu sáng trưng, trắng tinh, nhưng về phía đường chân trời, nó dày lên và có màu như chì. Từ đó xuất hiện những đám mây tuyết bay chậm.

Những khu rừng trở nên âm u và tĩnh lặng hơn, và cuối cùng thì tuyết đã rơi dày. Tuyết tan chảy trong làn nước hồ đen thẫm, cù nhột lên mặt, rắc lên làn sương xám của khu rừng.

Mùa đông bắt đầu thống trị vùng đất này, nhưng chúng tôi biết rằng dưới lớp tuyết trắng xóa, nếu dùng tay cào, bạn vẫn có thể tìm thấy những bông hoa rừng tươi rói, chúng tôi biết rằng lửa vẫn luôn lách tách trong bếp lò, rằng những chú chim sơn tước[4] vẫn ở lại trú đông cùng với chúng tôi, và đối với chúng tôi dường như mùa đông cũng đẹp tuyệt vời như mùa hạ.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: K. Kuznetsov, 1945.

Ghi chú

[1] dachshund: một giống chó chân ngắn, có nguồn gốc từ Đức.

[2] hồng tước: một loài chim sẻ ức đỏ, tên khoa học là Pyrrhula pyrrhula.

[3] thanh lương trà: loại cây bản địa ở châu Âu có lá giống lá me, quả mọng mọc thành chùm màu đỏ, tên khoa học Sorbus aucuparia.

[4] sơn tước: một loài chim sẻ bản địa ở châu Âu, tên khoa học là Parus major.

Translation

CƠN GIÔNG THẢO NGUYÊN


Truyện ngắn của Konstantin Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Степная гроза, 1944.

Ngôi nhà gỗ xám màu cũ kỹ, nép mình vào sườn một khe núi. Bên trên, dọc theo mép khe là những hàng liễu trơ trọi xào xạc vì gió xuân, bên dưới là dòng suối nông rì rào chảy qua một chiếc mũ sắt Đức cong queo.

Chiếc mũ sắt nằm dưới suối đã lâu, hơn một năm, đã hoen gỉ thế nhưng những chú bé ở Slobodka không hề động đến. Có thể bởi vì các các chú đã hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, hoặc có thể bởi vì các chú bây giờ đã có kinh nghiệm với mìn. Khi chạm vào chiếc mũ sắt như vậy, một quả mìn ngay gần đó sẽ lập tức nổ  – và sau đó là “bùm”! Từ “bùm” trong ngôn ngữ của các chú bé có nghĩa là bất kỳ sự bất ngờ nào, kể cả cái chết đột ngột.

Sống trong ngôi nhà này là người giáo viên địa lý già Ivan Lukich, còn có biệt danh là “Patagon”. Họ gọi ông như vậy do vóc dáng cao lớn, khuôn mặt ửng đỏ và thô sạm đi vì sương gió. Ivan Lukich là một người đàn ông cô độc và trầm lặng. Trước chiến tranh, ông dành nhiều thời gian đi thuyền trên sông Dnieper để câu cá.

Ngoài Ivan Lukich, trong ngôi nhà này còn có cậu bé mười tuổi Yurka, con trai duy nhất của một ngư dân góa vợ từ đảo Volny. Hầu như mùa hè nào “Patagon”[1] cũng đều đến thăm cha của Yurka – Nikifor Bezperechny, cùng ông đến vùng nước ngập Dnieper để câu cá chép.

Trước khi quân Đức tràn đến, Nikifor đưa Yurka đến Kherson sống với Ivan Lukich và nói rằng bản thân ông, Nikifor, sẽ đi thuyền với các ngư dân đến pháo đài Kinburn, và sẽ chiến đấu với quân Đức ở đó, như “những chàng Zaporozhian ký ức vĩnh hằng” đã chiến đấu với quân Thổ năm xưa.

Vào giây phút cuối, Nikifor kéo Yurka lại gần ông, vò rối mái tóc cậu và nói:

“Ở lại đây đợi cha về. Hãy lắng nghe Ivan Lukich, bởi vì bác ấy biết những tỷ lệ và ý nghĩa cuộc sống của chúng ta.”

Nikifor thích diễn đạt một cách trang trọng và mơ hồ.

Một ngày sau khi Nikifor rời đi, Ivan Lukich định cùng với Yurka chạy trốn khỏi quân Đức, nhưng ông đành phải ở lại – không có gì để vượt sông Dnieper. Ivan Lukich đã nhường thuyền của mình cho những người lính, và không còn lại chỗ trống nào.

Quân Đức hiếm khi ghé lại Slobodka. Họ không quan tâm đến những căn nhà xiêu vẹo được chắp vá bằng sắt tây hoen gỉ và những vườn rau nhỏ ẩm thấp. Quân Đức đóng quân trong thành phố, chặt cây trong vườn bách thảo được trồng dưới thời nữ hoàng Catherine làm củi, đẩy người Do Thái vào thảo nguyên và mở “sòng bạc” có nhạc cho các sĩ quan trong nhà hát thành phố.

Ivan Lukich và Yurka phải chịu đói kém. Yurka thu thập những cây rau chút chít mọc dọc theo khe núi, và họ chỉ sống dựa vào thứ rau này. Ngoài ra còn có một lượng dự trữ không nhiều bánh mì sấy bám đầy bụi và một ít khoai tây. Quân Đức cấm đánh bắt cá trên sông Dnieper. Ivan Lukich đã khốn khổ vì điều này. Yurka cũng khó chịu – ngay từ khi còn nhỏ cậu đã quen với những trận chiến của lũ cá măng dưới những sườn núi dốc và với mùi lau sậy.

Ban ngày luôn không bình yên trong thành phố và ở cả Slobodka. Ban đêm cũng không khá hơn, nhưng với Ivan Lukich và Yurka, những đêm đó dường như lại an toàn hơn, như thể bóng tối trong khe núi ngăn cách họ với quân Đức bằng một bức tường. Vào lúc chạng vạng tối, Ivan Lukich chèn cửa bằng then sắt, kéo rèm cửa sổ, thắp lửa lên cây đèn cổ đúc bằng đồng, đặt những tập Niva nặng trĩu lên bàn ở hai bên và bình tĩnh hút điếu thuốc đầu tiên trong cả ngày, được cuộn dày lá thuốc lào trộn với cây tầm ma khô.

Yurka đang ngồi bên bàn, nhìn vào phòng của Ivan Lukich, và mọi thứ trong đó có vẻ thú vị và sống động đối với cậu: một tập át-lát Petri khổng lồ trên bàn với bìa xanh lá cây mạ chữ vàng, những chiếc bình bụi bặm chứa hạt giống, một tủ sách bằng gỗ sồi và một chiếc đồng hồ hình ngôi nhà Thụy Sĩ. Một cô gái bằng đất sét mặc áo màu xanh lá và mang váy đỏ có diềm xếp nếp đứng gần nhà, cho những con cừu trắng cũng bằng đất sét ăn. Đồng hồ này chậm hơn bốn giờ một ngày. Trên tường treo các bức tranh: “Cuộc vượt đèo St. Gotthard của Suvorov” của Surikov[2], “Làn sóng thứ chín” của Aivazovsky[3] và chân dung của nhà thám hiểm Miklouho-Maclay[4] – một người đàn ông gầy gò với bộ râu tương tự như Ivan Lukich.

Ivan Lukich ngồi xuống chiếc ghế bọc thảm sờn rách, lấy ra từ ngăn kéo bàn một hộp trứng cá muối bằng sắt đựng các phụ kiện câu cá, nhìn ngắm các móc câu, phao, cục chì, mồi giả một lúc lâu rồi thở dài.

Chiếc bàn sặc mùi thuốc lá và thuốc tây. Trong những ngăn kéo đặt những chồng giấy kẻ vàng, một chiếc kính lập thể soi hình ảnh nổi của tất cả các thủ đô châu Âu, ống nhòm bằng đồng và nhiều thứ thú vị khác.

Với mỗi tháng trôi qua, đống đồ này lại trở nên vơi đi. Ivan Lukich đã bán chúng ở một khu chợ trời nhỏ, và bản thân ông đã ngạc nhiên khi có người mua chúng.

Nhưng, bất kể đã bán đi mọi thứ, Ivan Lukich vẫn nhanh chóng ốm yếu đi và sớm không còn giống với một người Patagon nữa. Da mặt trở nên xám xịt và sưng tấy. Ivan Lukich than phiền về cái lạnh và đi ngủ mà không cởi mũ ra.

Ngày giải phóng đang đến gần. Hồng quân đang tiến từ phía đông, và Ivan Lukich đo đạc bản đồ thường xuyên hơn bằng một chiếc compass cũ, tự hỏi khi nào thì các đơn vị Liên Xô sẽ đến được thành phố.

Một đêm Ivan Lukich lâu không ngủ, trằn trọc, thậm chí trở dậy. Ngoài trời tĩnh lặng. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng những cây liễu già xào xạc rồi lặng đi hoặc một máy bay không rõ của phe nào vù vù ở phía trên cao ngôi nhà. Vào lúc bình minh, Ivan Lukich đánh thức Yurka, nói:

“Dậy đi! Thính giác của cháu nhạy hơn bác.”

Yurka bật dậy và đi đến cửa sổ. Buổi sáng hãy còn tối om và xám xịt. Yurka lấy tay áo lau ô kính bị mờ và áp trán vào. Tiếng kính rung khe khẽ, và một tiếng rầm vang từ xa nhưng mạnh mẽ từ từ lướt qua ngôi nhà và lặng dần trong khe núi. Sau đó là tiếng rầm thứ hai, rồi thứ ba. Trên bậc cửa sổ là cây lúa yến mạch được Ivan Lukich trồng trong một cái bát gỗ. Những ngọn cỏ mỏng manh của nó cong về phía tấm kính, như thể chúng cũng đang lắng nghe tiếng pháo.

Buổi sáng, Ivan Lukich đi ra chợ để tìm hiểu tin tức. Yurka bị bỏ lại một mình. Cậu ngồi trên sàn nhà ấm nắng và xem cuốn Niva 1907. Có người đến bên cửa sổ và gõ. Yurka khép lại tập “Niva”, cẩn thận nhìn ra từ đằng sau cuốn sách. Đứng bên ngoài cửa sổ là một người hàng xóm, bà Fedosya.

Yurka mở cửa cho bà. Bã lão bước vào, làm làm dấu thánh trước bức chân dung của Miklouho-Maclay và thì thầm:

“Quân Đức đang lo sốt vó. Chúng đi lùng sục từng nhà, truy tìm con cái và người thân thích của quân du kích. Rõ ràng là thế lực của chúng đã bắt đầu suy yếu và trước khi kết thúc, chúng muốn khủng bố người dân. Ivan Lukich đâu rồi?”

“Bác ấy ở chợ,” – Yurka khe khẽ trả lời.

“Nghe này!” – bà Fedosya nói. – “Tất cả chúng tôi đều biết rằng cháu là cháu trai của Ivan Lukich, nhưng có thể sẽ có một tên khốn nào đó ở Slobodka biết nhiều hơn chúng ta và sẽ mách cho bọn Đức biết cháu thực sự là ai. Sau đó, bọn Đức sẽ giết cả hai người ngay ở khe núi đầu tiên.”

“Tại sao lại giết bác ấy?” – Yurka hỏi.

“Vì để dằn mặt người cha ruột du kích của cháu,” – bà lão trả lời. – “Tất nhiên, vì cả lòng tốt của bác ấy nữa. Cả hai người cần phải đi đến thảo nguyên. Khi Ivan Lukich đến, nói với bác ấy như vậy. Nếu chúng tìm thấy cháu – chúng cũng sẽ giết bác ấy. Và ngôi nhà sẽ bị đốt.”

“Và họ sẽ không giết chỉ một mình bác ấy?” – Yurka hỏi. – “mà không có cháu?”

“Làm sao ta biết được!” – bà lão trả lời. – “Có lẽ họ sẽ không giết một người. Cần phải suy nghĩ, cậu bé ạ, rằng như thế họ sẽ chưa xong việc, vì họ không có bất kỳ bằng chứng nào. Và cháu chính là bằng chứng!”

Bà lão bỏ đi. Yurka đứng giữa phòng, vơ lấy áo khoác và mũ, đi ra ngoài, dùng gậy khóa cửa rồi chạy xuống khe núi vào thảo nguyên.

Thảo nguyên chỉ mới bắt đầu khô ráo khỏi lớp bùn mùa xuân. Nước chảy khắp nơi trong các khe, và những bông hoa khoản đông màu vàng đã hé nở trong nắng.

Yurka rời khỏi các chòm xóm. Đi về hướng Bắc, những cột điện báo của tuyến đường sắt đến Nikolaev khuất dần. Sau đó, cậu nhìn thấy trước mặt mình những người trên thảo nguyên và quay sang hướng nam… Những người này đang đào đất – họ phải đào hào hoặc rãnh chống lại xe tăng.

Yurka dừng lại gần một cái chòi kuren[5] cũ. Không có ai trong kuren, chỉ có đống củi mục nát và những vỏ dưa hấu vụ mùa trước nằm la liệt. Có lẽ, đã từng có một ruộng dưa ở đây và trong kuren này từng có một người canh gác già, giống như ông nội của Lysukh trên đảo Volny.

Ông nội của Lysukh bị mù và điếc. Ông không nhìn thấy gì cả, và do đó, khi ngồi bên kuren, ông luôn miệng hét lên một cách ngẫu nhiên về những cậu bé ăn trộm tưởng tượng: “Chà, hành quân qua ruộng dưa à, nhãi con! Nếu ta lấy cây gậy huyền thoại ra và đứng dậy, thì chú mày sẽ biết tay!”. Tiếng hét của cụ ông trên đồng dưa không người khiến các ngư dân thích thú. “Thật siêng năng,” họ nói. – “Ông ấy la hét suốt ngày, và những người đứa nhóc kéo dưa từ ngay dưới chân giường của ông. Chúa phù hộ ông ấy, để cho ông ấy canh gác. Ông già phải kiếm cơm.”

Yurka nhặt vỏ dưa hấu khô, lau vỏ rồi bắt đầu nhai. Chúng cứng như da trâu, nhưng có thể nhai thành một loại hồ chua chua.

Trời chiều như được phủ một khăn trải đầy mây, gió thổi hiu hiu, cỏ cây thoáng đung đưa. Yurka trèo vào túp lều, lật đống củi, ngồi xuống, thọc tay vào tay áo và suy nghĩ.

Phải làm gì tiếp theo? Như vậy cậu bé đã rời thành phố, vì chính cậu, vì Yurka mà quân Đức sẽ không giết được Ivan Lukich, cậu đã bỏ đi và không mang theo một chiếc bánh quy nào, trong lúc bối rối đã quên khuấy mang đồ ăn. Yurka nghĩ: “Mình sẽ ngồi yên trong kuren, không cử động, thở bằng mũi, như lời khuyên của Ivan Lukich, và chỉ đi ra ngoài khe núi để lấy nước. Như vậy thì mình sẽ cầm cự được cả tuần. Và trong một tuần nữa, có thể quân Đức và đám cảnh sát của chúng sẽ bị hạ gục, và chúng sẽ không có thời gian để ghim mình. Nhưng còn bác Ivan Lukich thì sao?”

Yurka bắt đầu đỏ mặt. Hơi nóng phả vào má. Bác Ivan Lukich sẽ nghĩ gì? Cậu ra đi, để lại bác ấy lại một mình, già nua, sợ hãi. Làm sao bác có thể biết được rằng Yurka rời đi để tránh nguy hiểm cho bác ấy! Và không có cách nào để lại một ghi chú: nếu quân Đức đến và tìm thấy nó, thì chắc chắn sẽ chết. Mình phải làm gì? Cha cậu luôn nói rằng không có “hành động xấu xa” nào trên đời tệ hơn là để người thân của bạn gặp rắc rối. Chẳng hạn, ông đã kể câu chuyện về gò mộ Cossack, nơi chôn cất những người Zaporozhian Cossack bị người Thổ Nhĩ Kỳ giết hại. Vì sự hèn nhát, quân Zaporozhian nhát gan giao nộp những người Cossack của mình cho quân Thổ, và như Nikifor đã nói, “những người Zaporozhian Cossack giao nộp bằng hữu của mình bị quân Thổ giết đầu tiên” – “Chính vì điều đó mà bị giết, Yurka! Chính vì điều đó!” – Nikifor nói thêm.

Phải làm gì bây giờ? Liệu có nên chạy về thành phố, giải thích cho Ivan Lukich hiểu tại sao cậu, Yurka lại đi đến thảo nguyên…

Trên thảo nguyên trời tối dần, gió thổi càng lúc càng mạnh. Những đám mây thấp đang tụ lại từ phía biển.

“Mình sẽ đợi cho đến khi màn đêm buông xuống,” – Yurka quyết định. – “Buổi tối mình sẽ vào lại thành phố, sẽ không có ai nhìn thấy mình, sẽ không tóm ai được mình cả. Và mình sẽ quay về thảo nguyên với Ivan Lukich.”

Yurka ôm đầu gối, gục đầu vào chúng, lặng im rồi thiếp đi.

Cậu tỉnh dậy trong bóng tối. Không có gió. Yurka cẩn trọng nhìn ra ngoài. Sương mù bao phủ khắp thảo nguyên, và ở phía đông trời sấm sét dữ dội – một cơn giông chắc hẳn đang đến gần. “Giá như trời không mưa,” – Yurka nghĩ và nhìn lên nóc kuren. Nó được lợp bằng lớp đất cỏ. Trong bóng tối, lờ mờ sáng lên những cái lỗ  mà lớp đất cỏ sụp xuống.

Xa xa trên thảo nguyên có tiếng người hét lên. Yurka nín thở, lắng nghe. Tiếng hét được lặp lại, nhưng xa hơn. Người này chắc hẳn đã đi qua thảo nguyên, vấp ngã, đang tìm kiếm một ai đó, gọi bằng một giọng sầu não.

“Khùng thật!” – Yurka nghĩ. – “Một người đàn ông khỏe mạnh đi xuyên qua thảo nguyên trong đêm như vậy, có lẽ đã gào thét trước cái chết không tránh khỏi.”

Yurka ngẩng đầu lên và chờ đợi. Tiếng hét không lặp lại nữa. Trời tĩnh lặng trở lại, ngay cả tiếng sấm sét cũng không còn rền vang nữa, và Yurka nghe thấy tim mình đập mạnh đến mức trong mắt như phát ra tia sáng.

Có lẽ kẻ khùng điên nào đó đã chú ý đến kuren, im lặng và len lén đến gần nó?

Yurka ra khỏi kuren, bò dọc theo mặt đất ẩm ướt lẫn với lá cây. Có ai đó chạy trong bóng tối, dội tiếng ủng dậm, dừng lại, thở hổn hển nói: “Đúng là bọn đê tiện, sấm sét đánh chết chúng đi!” – và chạy tiếp. Chưa bao giờ Yurka thấy một đêm khủng khiếp như vậy.

Bầu trời đen như bồ hóng và mọi thứ xung quanh cũng giống như bồ hóng, nhưng ít ra cũng có một ngôi sao đang rực sáng lên trên nền trời!

Đột nhiên trong bóng đen bùng lên ngọn lửa đỏ lờ mờ, kuren sáng lên – nó ở rất gần, – màn đêm lại ập đến, sấm sét giáng xuống mặt đất mạnh đến nỗi Yurka giật bắn mình và cảm thấy đau đầu. Vội vàng và đứt quãng từng tiếng một, bầu trời  đứt gãy đùng đoàng sấm sét, gió xạc xào, màn đêm hoang vu gào rít.

Yurka bật dậy và chạy vào thảo nguyên. Cậu loạng choạng và ngã xuống. Thứ gì đó đen đúa và ẩm ướt sột soạt rơi trên mặt đất, trên da, Yurka đã không hiểu ngay ra rằng trời đang mưa. Và từ phía đông, những loạt sấm sét ngày càng mở rộng ra, như thể những người khổng lồ đang xé toạc bầu trời, và đằng sau nó là một bầu trời khác mở ra từ một ngọn lửa giận giữ, đáng sợ. Mỗi khi thứ ánh sáng này lóe lên, Yurka lại nhìn thấy một mặt trời xù xì và dữ dằn lao tới, xoay tròn và lập lòe đằng sau một đám mây đen và tắt lịm đi ngay sau khi đám lửa này tàn lụi.

Mặt trời dường như lao trên đầu với một tốc độ kinh hoàng, nhưng đồng thời vẫn ở nguyên vị trí.

“Đây có phải là một cơn mơ?” – Yurka nghĩ thầm, va phải một thứ gì đó to lớn, đen xì và ngã xuống. “Một túp lều?” – Yurka nghĩ. – “Toàn bộ đã cong queo và nát gãy.” Cậu nắm lấy góc lều, bàn tay lấm vào lớp bùn dày đặc, dưới lớp bùn đó, các ngón tay cậu chạm vào thép lạnh. Ánh chớp sáng lên, và Yurka nhìn thấy vòng xích của một chiếc xe tăng bao phủ trong đất sét. Chúng treo thỏng, bị xé toạc bởi một vụ nổ, nặng nề và bất động.  Thoảng có mùi khét của xăng.

Yurka nhảy né ra, ngã người về phía sau và bị trật chân. Cậu ngã xuống và nghe thấy tiếng hò hét của hàng trăm người ở phía xa trong màn đêm tối đen như mực. “Đến đây đi!” – Yurka hét to lên và không nghe thấy gì nữa – chỉ có đất ken két trên răng.

Khi cậu mở mắt ra, trên đầu có những đám mây nhẹ miễn cưỡng trôi trên bầu trời trong xanh buổi sáng sớm, chúng như muốn dừng, nhưng không dừng trôi được. Không thể nhìn vào cái ngọn màu trắng của chúng, chỗ đang chói sáng lên bởi ánh mặt trời. Cậu bé như muốn nằm trên rìa của một đám mây như vậy và lơ lửng bay qua thảo nguyên.

Yurka nheo mắt, nhưng không nhìn thấy mặt đất đâu. Mây từ từ trôi ở tứ phía, như thể cậu đang nằm giữa không trung và bầu trời bao la đang trầm mặc xoay quanh cậu như một chiếc vòng đu quay bằng mây. Những chú sẻ Bohemian đậu cạnh một chú chim thảo nguyên nhỏ bé.

Yurka ngẩng đầu lên và nhìn thấy mình đang nằm trên đống rơm khô, trên một chiếc xe tải. Xe đã đậu.

Sau đó, một chiếc mũ sắt xuất hiện ở phía hông xe. Yurka co người lại, nhìn vào chiếc mũ sắt; tim cậu đập thình thịch.

Chiếc mũ sắt từ từ ngước lên, và ngay sau đó, dưới mũ hiện ra khuôn mặt đầy tàn nhang của một anh lính với đôi lông mày bị cháy xém. Anh lính im lặng nhìn Yurka, nháy mắt một cách bí hiểm với cậu bé. Yurka mỉm cười.

“Aha!” – anh lính nói. – “Vậy là cậu vẫn còn sống khỏe?”

Yurka im lặng.

“Petrov!” – anh lính nói với ai đó hẳn như đang ngồi dưới đất gần chiếc ô tô. – “Có vẻ như công dân này đến từ thuộc địa của những người câm điếc”.

“Không phải!” – Yurka nói với giọng khản đặc đến nỗi chính cậu cũng cảm thấy xấu hổ. – “Em không điếc. Em đến từ Kherson. Thế các anh đến từ đâu?”

“Chúng tôi à?” – anh lính hỏi hỏi. – “Chúng tôi là người ở Kostroma, đến địa điểm này của cậu để tổ chức một tấm màn chắn quân Đức”.

Một giọng trầm từ gầm xe nói:

“Chào buổi sáng, cậu bạn trẻ. Cậu có muốn thử thịt hộp không? Thịt heo hầm đậu nhé?”

“Chào anh,” – Yurka khẽ trả lời và ngồi xuống. – “Em đang muốn khóc đây”.

Yurka nhảy ra ngoài. Khói bay thấp phía chân trời. Một anh lính cao lớn có râu ngồi trên đống gạch vụn gần chiếc xe và mở một cái lon thiếc. Anh nhìn Yurka và gật đầu. Một anh tài xế tóc đen đang dùng giẻ lau kính trong buồng lái.

“Arutyun,” – anh có râu gọi, – “đến đây ngồi xuống và cắt bánh mì nào. Đậu hầm ngon tuyệt cú mèo”.

“Tớ không cắt bánh mì được đâu,” người lái xe trả lời. – “Cả người tớ bốc mùi xăng. Ngay cả hút thuốc cạnh tớ cũng nguy hiểm lắm đấy”.

Đây là cách mà Yurka bắt đầu làm quen với các anh lính. Họ kể với cậu bé rằng họ đã lượm được cậu như thế nào vào lúc bình minh, ngay khi một màu xanh biếc bắt đầu lan ra trên thảo nguyên. Và Yurka, sau khi ăn đồ hộp, đã trở nên mạnh bạo hơn, kể với họ về Nikifor, về Ivan Lukich, về việc cậu, Yurka, sống ở Kherson và đã chạy trốn để tránh cho Ivan Lukich khỏi bị quân Đức hành quyết. Các anh lính lắng nghe và ngoáy những chiếc thìa trong hộp thiếc.

“Vậy là,” – anh lính mặt tàn nhang nói, – “màn thẩm vấn đã chỉ ra rằng đây là một công dân”, – anh lính làm khuôn mặt dữ tợn và nhìn Yurka, – “là con trai của một ngư dân, một người du kích ở Kinburn, và học trò của một giáo viên già, mà giáo viên này thích câu cá trên dòng Dnieper trong thời gian rảnh rỗi. Tôi đã hiểu đúng về cậu chưa, cậu bạn trẻ?”

“Đúng vậy ạ” – Yurka ngập ngừng trả lời và hỏi đề phòng: – “Các anh là ai?”

“Chúng tôi là thành viên của Hội những người yêu tiếng hót chim họa mi,” – anh lính mặt tàn nhang trả lời.

Yurka cười: anh mặt tàn nhang nói chuyện rất hóm hỉnh. Nhưng anh có râu và anh lái xe chắc đã quen với những cuộc trò chuyện của anh ta và tiếp tục ngoáy lon đậu, phớt lờ anh mặt tàn nhang. Chỉ có anh lái xe nói:

“Đừng lừa phỉnh thằng nhóc nữa. Chúng tôi là những thông tin viên.”

“Thế  này nhé, cậu bé”, – người lính có râu nói, – “cậu sẽ không về Kherson một mình được đâu. Chắc chắn sẽ không đến được đâu. Vẫn còn rất nhiều mìn, và bọn tàn quân Đức lẻ tẻ trên thảo nguyên, chỉ có ma quỷ mới biết. Ngồi lên phía sau xe! Chúng tôi sẽ ra biển, và từ đó Arutyun sẽ quay xe lại Kherson. Và chúng tôi sẽ đưa cậu đến đó. Thỏa thuận thế nhé?”

“Đồng ý ạ”, – Yurka trả lời. – “Thế tại sao các anh đi về phía biển?”

“Biết nhiều quá thì sẽ hói đầu!”

Ngay sau đó xe bắt đầu chuyển bánh. Gió xào xạc bên tai. Bùn đất từ ​​dưới bánh xe tung tóe lên cỏ non. Xe càng đi xa, gió thổi càng mạnh, anh lính tàn nhang càng hát to một bài hát không quen thuộc với Yurka:

“Ôi, những nẻo đường, lối đi phủ cỏ rêu!”

Đối với Yurka, dường như chiến tranh đã ở đâu đó rất xa và không có một tên lính Đức nào ở đây. Có lẽ dường như vì những anh lính đã không nhắc gì về cuộc chiến, hoặc có thể vì chiếc xe đang chạy về phía nam, ra biển, dọc theo một con đường quê hẻo lánh, trong khi trận chiến đang diễn ra ở phía bên này, ở phía tây. Và nếu không có toán tù binh Đức, chỉ được giải đi bởi hai người lính canh, thì Yurka đã hoàn toàn quên mất cuộc chiến. Đám lính Đức người ngợm bôi đen, như thể vừa bị hun khói, đang lội bùn một cách nặng nề với những đôi ủng thấp.

Xe dừng ở một lán đánh cá. Yurka nhảy ra và nheo mắt – một cơn gió đang tăng tốc tạt thẳng vào mặt cậu, và dưới vách đá, rất gần đó, biển đang chạy tới, như mặt gương tràn lên trên cát, mang theo bụi mặn.

Trong khi các anh lính kéo những bó dây và hộp đựng ra khỏi xe, Yurka  chạy ra bờ biển. Sóng dâng cao, nước biển óng ánh xanh màu lục. Chúng sau đó vỗ ầm ì vào bờ cát rồi lại rút đi, kéo theo đá cuội, vỏ đồng đạn đồng và cả những vỏ quýt.

Xa xa là một dải bờ thấp đang vàng lên. Phía trên nó, những quả cầu đen từ những vụ nổ nhòe ra trên nền trời.

“Kinburn,” – Yurka nghĩ. – “Ở đó vẫn còn quân Đức. Nikifor chắc hẳn đang chiến đấu với chúng, hạ gục chúng, lùa chúng vào thẳng Biển Đen để bữa tối cho cá heo.”

Anh lái xe gọi Yurka và nói rằng đã đến lúc phải đi. Yurka vào lán để chào tạm biệt những người lính. Bên trong lán trống rỗng, đầy rác, có một băng ghế, và trong góc có treo tấm tượng thánh giống như trong ngôi nhà gỗ của chú trên đảo Volny: một ông lão ngăm đen mặc áo choàng bạc, Thánh Nicholas của thành Myra ở Lycia, người bảo trợ cho một tộc người đánh cá. Một nhánh liễu khô được cắm trước tấm tượng, và một chiếc mũ nồi Đức treo trên tường gần đó.

Anh lính mặt tàn nhang đang quét dọn lán bằng một chiếc chổi bện từ cây ngải. Anh gỡ cái mũ ra khỏi tường và ném nó vào trong lò – ngay vào chỗ ngọn lửa đang bùng cháy dưới chiếc cà mèn. Nhưng anh lính có râu đã rút chiếc mũ ra, mang nó đi và ném về phía thảo nguyên.

“Kulesh,” – anh ta nói, – “như vậy mới sạch sẽ. Thật chẳng tốt lành gì khi hít khói từ những thứ rác rưởi của bọn Đức.”

Yurka cảm ơn các anh lính và chào tạm biệt họ.

“Đợi tí!” – một anh lính mặt tàn nhang nói. – “Chúng ta phải nói chuyện.”

Anh lấy một hộp bánh quy ra khỏi túi ba lô của mình, mở nó ra, cẩn thận lục trong đó và đưa cho Yurka ba chiếc phao câu cá gắn lông ngỗng nhiều màu. Một cái có sọc xanh lam, cam và vàng, cái kia có hoa và cỏ nhỏ xíu, và cái thứ ba có vô số chấm nhiều màu, nhỏ như hạt anh túc.

“Tôi đã tô chúng đấy,” – anh mặt tàn nhang nói. – “Tôi cũng là một ngư dân. Tôi mang chúng bên mình đi khắp mọi nơi. Khi tôi mệt, tôi sẽ mở chúng ra, nhìn và chạm vào chúng như thể sẽ không còn chút mệt mỏi nào nữa. Cái thứ  rỗng là một cái phao câu cá, nhưng hãy thử nghĩ xem nó sẽ nâng đỡ cho ta được điều gì. Cậu sẽ nhớ bình minh trên hồ của chúng ta, những bụi cây, mặt nước tĩnh lặng, làn hơi tỏa trên nó vào buổi sáng sớm, những con sếu đang hót trong đầm lầy. Tuyệt đấy chứ! Và ngay lập tức những bước đi của tôi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy nhận một chiếc phao cho cậu, một chiếc khác cho cha cậu và chiếc này có hoa cho thầy giáo của cậu. Và cậu hãy nói: quà của Ivan Semechkin, một ngư dân và một người lính, để tỏ lòng kính trọng tới họ.”

Yurka giấu phao vào mũ và rời đi, vừa bối rối vừa vui mừng.

Vào giữa ngày, chiếc xe dừng lại ở lối vào thành phố gần Slobodka. Yurka nhảy ra ngoài, chào tạm biệt anh lái xe và chạy đến khe núi của mình. Khói vẫn bao trùm thành phố. Những chiếc máy bay bằng nhôm bay vù vù trên bầu trời, và Yurka nhìn thấy những ngôi sao nhỏ màu đỏ trên cánh.

Yurka đi xuống khe núi, nhảy qua suối, nhìn thấy Slobodka và dừng lại. Những căn nhà gỗ ngoại ô bong tróc và xám xịt sáng lên như tuyết. Những người phụ nữ mặc váy kín mít đang trang điểm bức tường bằng những cái chổi dài, viền quanh cửa sổ bằng đường viền màu xanh lam, và Christina – một bà cô có răng trắng và mồm miệng bất cần – đã vẽ lên  trên mỗi cửa sổ một bông mẫu đơn mỹ miều.

“Vẫn mạnh khỏe chứ!” – Christina hét lên với Yurka. – “Cả Slobodka được trang điểm lại sau khi bọn Đức rút đi. Bây giờ Slobodka của chúng ta giống như một thiên đường trên trời. Và nhà Ivan Lukich cũng thế.”

Yurka chạy đến nhà Ivan Lukich. Từ xa cậu đã thấy Ivan Lukich đang đứng trên ghế đẩu và dùng chổi quét cao dưới mái nhà. Lần đầu tiên, cửa sổ trong nhà được mở to, và những bức tranh mới lau chùi lấp lánh dưới ánh mặt trời.

“Ivan Lukich!” – Yurka hét lên và bắt đầu khóc. – “Chào bác!”

Cậu không thể nói gì hơn được nữa. Ivan Lukich quay người lại, thả chiếc chổi xuống, vội vàng bước xuống ghế đẩu, đi tới chỗ Yurka. Tròng kính của Ivan Lukich bị phấn vấy tung tóe.

Ivan Lukich nắm lấy vai Yurka, lay người, ôm hôn cậu và tháo kính ra. Những giọt lẫn đục phấn từ kính rơi xuống đất. Ivan Lukich lau mắt, nói:

“Cháu còn sống ư! Chắc là đói như sói con? Vẫn chưa đói à! Tại sao cháu lại bỏ đi? Cháu nghĩ là bác không biết  ư. Bác đã biết hết và hiểu hết chuyện. Ngày mai quân du kích sẽ trở về từ Kinburn, Nikifor sẽ đến, và trông cháu giờ lấm lem cứ như một con quạ đen ấy. Nào! Thay quần áo đi, ấm chè sắp sôi rồi.”

Ivan Lukich lại lay hai vai Yurka và dẫn cậu vào nhà. Các phòng đều vui vẻ, có mùi thơm tho sạch sẽ của mùa xuân, sàn nhà được lau tinh tươm. Trên sàn nhà gần cửa sổ, hai con chim sẻ xù lông đang tranh nhau một con giun, mỗi con dùng mỏ kéo con giun về phía mình.

Nhìn thấy Ivan Lukich và Yurka, những con chim sẻ vội nhả con giun và bay thoát ra ngoài cửa sổ với một sự náo động khủng khiếp.

“Bọn ác quỷ!” – Ivan Lukich hét lên. – “Chúng đã ăn cắp những con giun.”

Ivan Lukich nhìn Yurka, đỏ mặt, lẩm bẩm:

“Cháu biết không, hồi sáng bác đã đào được cả đống giun. Không có mồi nào ngon hơn thế cho lũ cá rô. Và, có lẽ, ngay cả đối với lũ chép vền[6]. Vì thế… bác đã đào thêm để dự trữ.”

Sau đó, Yurka lấy ra hai chiếc phao tô từ mũ của mình và đưa nó cho Ivan Lukich.

“Đây là quà của một người lính và là một ngư dân,” – cậu nói. – “của Ivan Semechkin, để tỏ lòng kính trọng!”

Ivan Lukich cầm lấy những chiếc phao, cẩn thận chạm lướt ngón tay lên chúng rồi mỉm cười:

“Cảm ơn cháu! Thứ này sẽ đem lại may mắn. Một chiếc phao như vậy sẽ nổi trên mặt nước Dnieper, tựa như một bông hoa mọc ở quần đảo Hawaii. Vậy thì chúng ta sẽ ra sông Dnieper sau buổi trà nhé, Yurka! Cần câu của bác đang trong phong độ hoàn hảo!”

“Đi chứ, bác Ivan Lukich!” – Yurka trả lời.

Bên ngoài cửa sổ, các bà cô vui vẻ trò chuyện, Christina cất tiếng hát và lũ sẻ cũng hót vang. Những cây liễu nở hoa phảng phất mùi như vỏ cây cháy, và trên nền trời xanh lấp lánh lên những chiếc máy bay đang nhảy múa trong một vũ điệu vòng quanh thành phố và vùng nước ngập Dnieper.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: B. Dekhterev, 1945.

Ghi chú

[1] Người Patagon: một tộc người thổ dân to lớn được đồn đại sống ở Patagonia, khu vực hiện này là Chile và Argentina.

[2] Vasily Surikov (1948-1916): họa sĩ nổi tiếng người Nga

[3] Ivan Aivazovsky (1817-1890): họa sĩ nổi tiếng người Nga

[4] Nicholas Miklouho-Maclay (1846-1888): nhà thám hiểm, nhà nhân chủng học nổi tiếng người Nga, ông đã du hành và nghiên cứu các tộc người ở đảo New Guinea.

[5] kuren: một dạng nhà chòi ở Ukraine, dùng để coi sóc vườn tược hay ruộng dưa hấu.

[6] cá chép vền: một loài chép bản địa ở châu Âu, tên khoa học là Abramis brama.

Translation

GÓI ĐƯỜNG VIÊN


Truyện ngắn của Konstanstin Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Колотый сахар, 1937.

Vào một mùa hè phương Bắc, tôi đến thị trấn Voznesenye nằm bên hồ Onega.

Tàu thủy cập bến lúc nửa đêm. Vầng trăng bạc treo thấp trên mặt hồ. Sự hiện diện của nó ở đây – ở phương Bắc – là không cần thiết bởi vì từ lâu đã có những đêm trắng ngập tràn một thứ ánh sáng không màu. Ngày dài gần như không phân biệt được với đêm ngắn: ngày cũng như đêm, cả vùng đất rừng thấp này chìm trong ánh chạng vạng.

Một mùa hè không đúng nghĩa thường dấy lên những nỗi âu lo. Nó rất mong manh. Hơi ấm ít ỏi của mùa hè có thể bỗng dưng cạn kiệt. Do đó, ở phương Bắc, bạn bắt đầu trân quý từng luồng khí trời ấm áp ít ỏi, trân quý vầng mặt trời khiêm nhường, thứ biến các hồ nước thành những tấm gương, lấp lánh với mặt nước tĩnh lặng. Mặt trời ở phương Bắc không chiếu rọi mà chiếu như thể đã xuyên qua một lớp kính dày. Dường như mùa đông vẫn chưa qua đi mà chỉ ẩn mình đâu đó trong những cánh rừng, dưới các đáy hồ và từ đó ta vẫn hít thở được mùi tuyết.

Những cây bạch dương đã héo úa trong các khu vườn. Những chàng trai tóc bạch kim, chân trần đang ngồi bên bến tàu lán ván gỗ câu cá ốt-me[1]. Tất cả mọi thứ xung quanh họ dường như đều trắng, ngoại trừ những chiếc phao câu cá lớn màu đen. Các anh chàng không rời mắt khỏi chúng và thì thầm xin nhau điếu thuốc.

Một anh cảnh sát mặt đầy tàn nhang, có bộ tóc xù đang câu cá cùng với các anh chàng này.

“Thôi, không được hút thuốc trên bến tàu! Không nên có hành vi sai trái!!” – Lâu lâu anh lại hét lên, đồng thời những ngọn lửa thuốc lào rơi xuống mặt nước trắng xóa, rít lên rồi vụt tắt.

Tôi vào thị trấn để tìm chỗ ngủ. Theo sau tôi là một người đàn ông mập mạp, dáng vẻ hờ hững với mái tóc húi cua.

Ông ta đến sông Kovzha để làm nghề rừng. Ông mang theo một chiếc cặp màu xám với các bản tóm tắt và hóa đơn. Ông ta nói líu lô như một nhà quản lý doanh nghiệp thiếu năng lực: “hạn chế chi phí đi lại”, “chụp ảnh”, “tổ chức ăn nhẹ”, “vượt định mức thả bè gỗ”…

Bầu trời trở nên nhạt màu đi vì buồn tẻ cùng với sự hiện diện đơn thuần của người đàn ông này.

Chúng tôi đi dọc theo hè phố lát ván, lướt qua những cây dã anh đào đơm hoa trong những vườn đêm lạnh lẽo, những ngọn đèn mờ cháy sau những khung cửa sổ đang mở.

Trước cổng vườn của một ngôi nhà gỗ, một cô bé có đôi mắt ngời sáng, trầm lặng ngồi trên băng ghế dài, đang ru một con búp bê bằng vải vụn. Tôi hỏi cô bé liệu có thể ngủ lại qua đêm trong nhà này được không. Cô bé lặng lẽ gật đầu và dẫn tôi lên  cầu thang dốc kêu cót két đến một căn phòng sạch sẽ. Người đàn ông với mái tóc húi cua cũng kiên trì đi theo sau.

Trong phòng trên, có một bà lão đeo kính gọng sắt đang ngồi đan ở bàn, và một ông già người gầy gò, bụi bặm, mắt nhắm nghiền ngồi dựa vào tường.

“Bà ơi”, – cô bé nói và chỉ con búp bê vào tôi, – “đây là khách xin nghỉ lại qua đêm”.

Bà lão đứng dậy, cúi đầu chào tôi.

“Chào mừng, các anh bạn quý mến” – bà nói với một giọng ngân dài. – “Các anh được chào mừng như những vị khách danh dự. Chỉ có điều ở đây hơi chật chội, thông cảm nhé, tôi sẽ trải chăn đệm cho các anh ở trên sàn.”

“Đời sống ở mức thấp, nghĩa là nó được sắp xếp, người công dân ạ,” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói.

Sau đó, ông già mở mắt – chúng gần như trắng bệch như mắt người mù – và từ tốn trả lời:

“Những người như anh, nếu không mơ mộng, sẽ không mở mang được trí óc. Kiên nhẫn đi,  anh bạn sẽ quen thôi”.

“Người công dân, lão đang nói chuyện với ai thế!” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói – “Đây có phải ở đồn cảnh sát đâu!”

Ông già im lặng.

“Thôi, bác ơi,” – bà lão rầu rĩ nói, – “đừng bực mình với kẻ lang thang làm gì! ông ta vô gia cư, đó là một ông già lang thang, bác vặn vẹo ông ta để làm gì cơ chứ?”

Người đàn ông với mái tóc húi cua tỉnh hẳn lên! cắp mắt ông trở nên chán ngắt và chì đi. Ông ta đập mạnh chiếc cặp xuống bàn.

“Hẳn là một lão già lạc loài,” – ông ta nói một cách đắc thắng. – “Phải tìm hiểu rõ người mà bà đang cho trú lại này là ai. Lão ta là một kẻ đào tẩu từ trại cải tạo hay là một thầy tu bí ẩn? Bây giờ chúng ta sẽ tìm ra danh tính của lão ta. Tên lão là gì? Lão đến từ đâu?”

Ông già cười khúc khích. Cô gái đánh rơi con búp bê và môi run lên.

“Ta đến từ mọi nơi,” – ông già bình tĩnh trả lời. – “Không nơi nào có đất lạ đối với ta cả. Và tên ta là Alexander.”

“Thế lão đang làm nghề gì?”

“Ta là người gieo hạt và cũng là người thu lượm,” – ông già bình thản trả lời. – “Tuổi trẻ ta gieo và thu hoạch lúa mì, nay ta gieo những lời tử tế và thu lại những lời kỳ diệu khác. Chỉ có điều là ta không biết chữ – nên ta đành phải tiếp nhận mọi thứ bằng tai, và trông cậy vào trí nhớ của mình.”

Người đàn ông tóc húi cua dừng lại, bối rối.

“Lão  có giấy tờ gì không?”

“Có thì cũng có, chỉ là không dành cho những người như anh, anh bạn thân mến ạ. Giấy tờ của ta quý lắm đấy.”

“Chà,” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói, – “vậy thì chúng ta sẽ tìm ra người mà nó dành cho”.

Rồi ông ta bỏ đi, đóng sầm cửa lại.

“Một người đàn ông thô lỗ, chưa chín chắn,” – ông già nói tiếp sau khi dừng lại. – “Ở những người như vậy, cuộc sống chỉ diễn ra đơn điệu một màu”.

Bà lão đặt ấm samovar. Bà buồn bã than thở rằng bà không có lấy một viên đường nào trong nhà: bà đã quên mua nó. Ấm samovar phụ họa theo lời bà lão bằng tiếng reo rầu rĩ. Cô bé gái phủ lên bàn một chiếc khăn trải sạch và thô. Khăn trải bàn thoảng mùi bánh mì lúa mạch đen.

Bên ngoài cửa sổ đang mở, một vì sao cô đơn đang tỏa sáng. Nó trông lớn và mờ mờ – sự lẻ loi của  nó  dường như xa lạ giữa bầu bao la màu xanh lục.

Những buổi trà đêm không có gì lạ với tôi – từ lâu tôi biết rằng, vào mùa hè ở phương Bắc, người ta thường ít ngủ. Và vào lúc này, bên ngoài cửa sổ, ở cổng của ngôi nhà bên cạnh, có hai cô gái đang đứng ôm nhau ngắm nhìn mặt hồ mờ ảo. Mọi thứ xảy ra như mọi khi vào một đêm trắng, khuôn mặt của các cô gái dường như xanh xao đi vì niềm xúc động, vì nỗi sầu muộn và vẻ kiêu sa.

“Đó là hai thiếu nữ Komsomol người Leningrad,” bà già nói. – “Những cô con gái của các vị thuyền trưởng. Họ luôn đến đây mỗi mùa hè.”

Ông già ngồi nhắm mắt và im lặng, như đang lắng nghe. Rồi ông mở mắt và thở dài.

“Họ tới rồi!” – ông già buồn bã nói. – “Xin bà thứ lỗi cho tôi, vì để xảy ra điều ngu ngốc và phiền phức này.”

Cầu thang kêu cót két. Đã có quá nhiều người leo dọc lên nó. Người đàn ông với mái tóc húi cua bước vào mà không gõ cửa. Phía sau ông ta là anh cảnh sát tóc xù với vẻ mặt băn khoăn – đó người câu cá ở bến tàu. Người đàn ông với mái tóc húi cua hất đầu chỉ vào ông già.

“Nào lão”, – viên cảnh sát nghiêm nghị nói, – “Chúng ta xác định danh tính của lão nhé! Giấy tờ đâu?”

“Danh tính ta đơn giản thôi”, – ông già trả lời, – “lâu rồi mới kể. Hãy ngồi xuống và nghe nhé”.

“Khẩn trương đi!” – người cảnh sát nói. – “Tôi không có thời gian để ngồi, còn phải đưa lão về đồn.”

“Chúng ta sẽ dư thời gian để về đồn, anh bạn quý mến ạ, ở đồn chỉ nói chuyện vắn tắt, sẽ chẳng có ai để trao bầu tâm tư. Ta nay đã ngoài bảy mươi và ta sẽ chết đi không hôm nay thì ngày mai trong sân nhà của người khác. Vì vậy anh hãy nhịn mà nghe ta kể.”

“Vậy thì lão cứ việc”, – viên cảnh sát đồng ý. – “nhưng đừng rắc rối quá!”

“Rắc rồi làm gì cơ chứ!” Cuộc đời ta rất thuần túy, không có gì làm nó rắc rối cả. Tất cả những người mang họ Fedosyev như ta, từ xưa nay đều là người đánh xe ngựa và là ca sĩ. Ông nội ta, Prokhor là một ca sĩ vĩ đại, dọc suốt tuyến đường từ Pskov đến Novgorod, ông cất cao giọng hát như than van. Một người cần giữ gìn giọng hát của mình, và ông không phung phí nó cho người khác một cách vô ích. Ông của ta cẩn thận giữ gìn nó cho đến một ngày thì bị mất giọng. Anh bạn có thể đã biết hoặc không, có một người đồng hương nổi tiếng đã sống với chúng ta ở Pskov, đó là Alexander Sergeevich, nhà thơ Pushkin.”

Người cảnh sát cười mỉm:

“Tôi có biết điều này!”

“Vì ngài ấy mà ông của ta bị mất giọng. Họ gặp nhau tại hội chợ, trong tu viện Svyatogorsky. Ông nội ta đã hát và Pushkin đã lắng nghe. Sau đó, họ đến một quán rượu và ngồi lại đó cả đêm. Không ai biết họ đã trò chuyện những gì, chỉ biết rằng khi trở về nhà trông ông của ta rất phấn khích, như thể say rượu, mặc dù ông hầu như đã không uống gì. Rồi ông nói với bà của ta rằng: “Từ những lời nói và tiếng cười của người ấy, anh đã say, Nastya ạ, – những ngôn từ tuyệt diệu như thế – hay hơn bất kỳ bài hát nào của anh.” Ông nội ta có một bài hát mà Pushkin rất ngưỡng mộ.”

Ông già im lặng rồi đột nhiên cất tiếng hát với một giọng não nề:

“Ôi, trên những đồng trắng mênh mang.

Những giọt lệ đắng tuyết đã chôn vùi!”

Hai cô gái đi đến bên cửa sổ, ôm nhau lắng nghe. Người cảnh sát thận trọng ngồi xuống băng ghế.

“Đúng thế”, – ông già thở dài, – “bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ lúc ông cụ nhắm mắt khi đã trăm tuổi, ông đã dạy bảo con cháu của mình tiếp tục hát những bài ca đó. Tuy nhiên, ta không nói về điều này. Một ngày mùa đông nọ, người ta đánh thức ông của ta lúc giữa đêm, gõ cửa sổ và yêu cầu ông thắng ngựa chuẩn bị đi làm một việc khẩn cấp cho chính phủ. Ông bước ra khỏi hiên nhà, nhìn thấy có rất nhiều hiến binh đi xung quanh loảng xoảng với những cây kiếm sắt. Ông nghĩ rằng lần sẽ lại phải giải đi những người tù khổ sai. Tuy nhiên, không có tù nhân nào cả, mà đó là một chiếc quan tài màu đen nằm trên xe trượt tuyết, được buộc lại bằng dây thừng. Người này là ai, ông nghĩ,  kẻ đau khổ phải xuống mồ trong xiềng xích? Ai là kẻ mà ngay cả sau khi chết cũng khiến cho Sa hoàng phải sợ hãi? Ông đi tới chỗ quan tài, dùng găng tay phủi lớp tuyết trên chiếc nắp đen và hỏi người hiến binh: “Chúng ta đang đưa ai đi thế?” – “Pushkin”[2], – người hiến binh nói – “Anh ta bị giết ở Petersburg.” Ông của ta lùi lại một bước, cởi mũ và cúi đầu trước quan tài. “Chà, ông quen với anh ta hay sao?” – người hiến binh hỏi. “Tôi đã hát những bài ca cho anh ấy nghe.”- “Chà, giờ thì ông không còn hát cho anh ta nghe được nữa rồi!” Màn đêm trở nên nặng nề, dường như đặc lại, hơi thở trong lồng ngực ông như đông cứng. Ông buộc chuông lại để chúng không kêu leng keng, ngồi vào ghế rồi phóng cỗ xe đi. Chung quanh tĩnh mịch, chỉ nghe thấy tiếng vun vút của cỗ xe lao đi trong gió, tiếng những chiếc kiếm lách cách gõ vào quan tài. Trái tim ông như sôi lên, mắt ông rơm rớm lệ, dồn hết giọng ông hát: 

“Ôi, trên những đồng trắng mênh mang…”

Người hiến binh dùng bao kiếm đập vào lưng ông, nhưng ông hề không để ý, ông vẫn hát. Trở về nhà, ông nằm xuống giường, lặng thing: giọng ông lạnh như băng. Từ thời điểm đó cho đến khi qua đời, ông chỉ nói được với một giọng thủ thỉ khàn khàn.”

“Có nghĩa là ông ấy đã hát bằng cả trái tim mình,” anh cảnh sát lẩm bẩm, than thở.

“Tất cả mọi thứ, anh bạn thân mến ạ, phải xuất phải từ trái tim”, – ông già nói. – “Và anh đã định hỏi ta là ai và ta làm cái gì. Ta than van những bài ca. Đó là nghề nghiệp của ta. Đi giữa mọi người và ta hát. Ở những nơi nghe được một bài hát mới – ta sẽ ghi nhớ lại. Thí dụ như lời mà anh kể là một chuyện, và lời mà anh hát cũng cùng nội dung nhưng hóa ra lại là một chuyện khác” – anh bạn yêu quý ạ – “nó đi vào lòng người và làm cho trái tim rung động. Cần phải trân quý sức mạnh của tiếng hát. Những ai không thích ca hát là loại người không có quan niệm đúng đắn về cuộc đời. Và đừng lo lắng về giấy tờ, ta sẽ cho anh xem.”

Ông già với đôi tay run rẩy rút từ trước ngực một túi nhỏ màu xám và lấy ra một mảnh giấy.

“Đây, anh đọc nó đi!”

“Tại sao tôi phải đọc nó cơ chứ!” – viên cảnh sát cảm thấy như bị xúc phạm. – “Tôi không cần phải đọc nó vào lúc này. Tôi đã biết lão là ai. Ngồi xuống đi và hãy nghỉ ngơi. Còn ông bạn, người công dân”, – viên cảnh sát quay sang người đàn ông có mái tóc húi cua, – “sẽ tốt hơn nếu ông ngủ lại ở nhà của một nông dân, ở đó phù hợp hơn. Nào, tôi sẽ đưa ông đến đó.”

Họ đã đi ra ngoài. Tôi lấy tờ giấy từ tay ông già và đọc:

“Giấy này được trao cho Alexander Fedosyev chứng nhận rằng ông là một nhà sưu tập các bài hát dân gian và truyện cổ tích và ông nhận được tiền chu cấp từ chính phủ Cộng hòa Karelia[3] để làm việc này. Tất cả chính quyền địa phương được khuyến khích hỗ trợ ông bằng mọi cách có thể.”

“Ôi, buồn thật!” – ông già nói. – “Không có gì tệ hơn khi tâm hồn con người khô héo. Tàn úa đi vì sống một cuộc đời như vậy, như cỏ úa đi vì sương thu.”

Chúng tôi ngồi xuống uống trà. Hai cô gái ôm nhau đi đến hồ, những chiếc váy vải hoa dung dị của họ sáng lên cùng với ánh chạng vạng của màn đêm. Vầng trăng mờ chìm trong nước, một chú chim đêm rầu rĩ kêu than trong khu vườn, ở giữa những cây bạch dương.

Cô bé có đôi mắt ngời sáng đi ra phố, ngồi trước cổng ru con búp bê bằng vải vụn. Tôi nhìn thấy cô bé từ cửa sổ. Anh cảnh sát tóc xù tiến lại gần, dúi vào tay cô một gói đường viên và những chiếc bánh quy vòng.

“Hãy đưa nó cho ông cụ,” – anh nói và đỏ mặt. – “Hãy nói đó là một món quà. Bản thân chú không có thời gian, chú còn phải quay về đồn”.

Anh cảnh sát nhanh chóng rời đi. Cô bé mang về nhà gói đường viên và những chiếc bánh quy vòng. Ông già cười tươi.

“Ta sẽ sống,” – ông già nói, lau đôi mắt ngấn nước, – “thêm một thời gian dài nữa. Thật đáng tiếc khi phải chết, phải xa rời tình cảm của con người. Thật đáng tiếc biết bao! Khi ta nhìn vào rừng cây, vào làn nước sáng, vào những đứa trẻ và cả vào đám cỏ dại nữa, ta không đành lòng muốn chết.”

“Và ông sẽ tiếp tục sống, người đáng quý ạ!” – bà lão nói. – “Ông sẽ sống một cuộc sống nhẹ nhàng và dung dị, như cách mà ông đã sống.”

Đến chiều, tôi rời Voznesenye để đi Vytegra. Chiếc tàu hơi nước nhỏ “Svir” chạy dọc theo con kênh, mạn tàu chạm lướt vào những lùm cỏ mọc ven bờ.

Thị trấn chìm vào màn sương mờ đục nhẹ nắng, vào sự tĩnh lặng và xa vắng của một ngày hè, và rồi những khu rừng thấp đã choàng lấp lấy chúng tôi vào trong một vòng tròn bóng tối. Mùa hè nhợt nhạt của phương Bắc đang đến ở xung quanh, e thẹn như những đứa trẻ địa phương với đôi mắt sáng ngời.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: N. Kuzmin, 1940.

Ghi chú

[1] Cá ốt-me: là một giống cá nhỏ, tên khoa học Osmerus eperlanus.

[2] Alexander Pushkin: nhà thơ vĩ đại người Nga. Ông qua đời ngày 29 tháng 1 năm 1837, sau khi bị trọng thương vì một cuộc đấu súng với Georges-Charles d’Anthès. Do sinh thời ông viết nhiều tác phẩm bất đồng chính kiến với chế độ Nga hoàng nên đám tang của ông bị hạn chế và cản trở, và cuối cùng thi hài của ông bị bí mật mang đi vào lúc nửa đêm từ Petersburg đến an táng ở gần tu viện Svyatogorsky ở tỉnh Pskov.

[3] Cộng hòa Karelia: là nước cộng hòa tự trị, nằm phía tây bắc nước Nga giáp với Phần Lan. Phía nam nước cộng hòa này là hồ Onega và hồ Ladoga, hai hồ lớn nhất của châu Âu.