Translation

GÓI ĐƯỜNG VIÊN


Truyện ngắn của Konstanstin Paustovsky, Minh Nguyễn dịch. Nguyên tác: Колотый сахар, 1937.

Vào một mùa hè phương Bắc, tôi đến thị trấn Voznesenye nằm bên hồ Onega.

Tàu thủy cập bến lúc nửa đêm. Vầng trăng bạc treo thấp trên mặt hồ. Sự hiện diện của nó ở đây – ở phương Bắc – là không cần thiết bởi vì từ lâu đã có những đêm trắng ngập tràn một thứ ánh sáng không màu. Ngày dài gần như không phân biệt được với đêm ngắn: ngày cũng như đêm, cả vùng đất rừng thấp này chìm trong ánh chạng vạng.

Một mùa hè không đúng nghĩa thường dấy lên những nỗi âu lo. Nó rất mong manh. Hơi ấm ít ỏi của mùa hè có thể bỗng dưng cạn kiệt. Do đó, ở phương Bắc, bạn bắt đầu trân quý từng luồng khí trời ấm áp ít ỏi, trân quý vầng mặt trời khiêm nhường, thứ biến các hồ nước thành những tấm gương, lấp lánh với mặt nước tĩnh lặng. Mặt trời ở phương Bắc không chiếu rọi mà chiếu như thể đã xuyên qua một lớp kính dày. Dường như mùa đông vẫn chưa qua đi mà chỉ ẩn mình đâu đó trong những cánh rừng, dưới các đáy hồ và từ đó ta vẫn hít thở được mùi tuyết.

Những cây bạch dương đã héo úa trong các khu vườn. Những chàng trai tóc bạch kim, chân trần đang ngồi bên bến tàu lán ván gỗ câu cá ốt-me[1]. Tất cả mọi thứ xung quanh họ dường như đều trắng, ngoại trừ những chiếc phao câu cá lớn màu đen. Các anh chàng không rời mắt khỏi chúng và thì thầm xin nhau điếu thuốc.

Một anh cảnh sát mặt đầy tàn nhang, có bộ tóc xù đang câu cá cùng với các anh chàng này.

“Thôi, không được hút thuốc trên bến tàu! Không nên có hành vi sai trái!!” – Lâu lâu anh lại hét lên, đồng thời những ngọn lửa thuốc lào rơi xuống mặt nước trắng xóa, rít lên rồi vụt tắt.

Tôi vào thị trấn để tìm chỗ ngủ. Theo sau tôi là một người đàn ông mập mạp, dáng vẻ hờ hững với mái tóc húi cua.

Ông ta đến sông Kovzha để làm nghề rừng. Ông mang theo một chiếc cặp màu xám với các bản tóm tắt và hóa đơn. Ông ta nói líu lô như một nhà quản lý doanh nghiệp thiếu năng lực: “hạn chế chi phí đi lại”, “chụp ảnh”, “tổ chức ăn nhẹ”, “vượt định mức thả bè gỗ”…

Bầu trời trở nên nhạt màu đi vì buồn tẻ cùng với sự hiện diện đơn thuần của người đàn ông này.

Chúng tôi đi dọc theo hè phố lát ván, lướt qua những cây dã anh đào đơm hoa trong những vườn đêm lạnh lẽo, những ngọn đèn mờ cháy sau những khung cửa sổ đang mở.

Trước cổng vườn của một ngôi nhà gỗ, một cô bé có đôi mắt ngời sáng, trầm lặng ngồi trên băng ghế dài, đang ru một con búp bê bằng vải vụn. Tôi hỏi cô bé liệu có thể ngủ lại qua đêm trong nhà này được không. Cô bé lặng lẽ gật đầu và dẫn tôi lên  cầu thang dốc kêu cót két đến một căn phòng sạch sẽ. Người đàn ông với mái tóc húi cua cũng kiên trì đi theo sau.

Trong phòng trên, có một bà lão đeo kính gọng sắt đang ngồi đan ở bàn, và một ông già người gầy gò, bụi bặm, mắt nhắm nghiền ngồi dựa vào tường.

“Bà ơi”, – cô bé nói và chỉ con búp bê vào tôi, – “đây là khách xin nghỉ lại qua đêm”.

Bà lão đứng dậy, cúi đầu chào tôi.

“Chào mừng, các anh bạn quý mến” – bà nói với một giọng ngân dài. – “Các anh được chào mừng như những vị khách danh dự. Chỉ có điều ở đây hơi chật chội, thông cảm nhé, tôi sẽ trải chăn đệm cho các anh ở trên sàn.”

“Đời sống ở mức thấp, nghĩa là nó được sắp xếp, người công dân ạ,” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói.

Sau đó, ông già mở mắt – chúng gần như trắng bệch như mắt người mù – và từ tốn trả lời:

“Những người như anh, nếu không mơ mộng, sẽ không mở mang được trí óc. Kiên nhẫn đi,  anh bạn sẽ quen thôi”.

“Người công dân, lão đang nói chuyện với ai thế!” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói – “Đây có phải ở đồn cảnh sát đâu!”

Ông già im lặng.

“Thôi, bác ơi,” – bà lão rầu rĩ nói, – “đừng bực mình với kẻ lang thang làm gì! ông ta vô gia cư, đó là một ông già lang thang, bác vặn vẹo ông ta để làm gì cơ chứ?”

Người đàn ông với mái tóc húi cua tỉnh hẳn lên! cắp mắt ông trở nên chán ngắt và chì đi. Ông ta đập mạnh chiếc cặp xuống bàn.

“Hẳn là một lão già lạc loài,” – ông ta nói một cách đắc thắng. – “Phải tìm hiểu rõ người mà bà đang cho trú lại này là ai. Lão ta là một kẻ đào tẩu từ trại cải tạo hay là một thầy tu bí ẩn? Bây giờ chúng ta sẽ tìm ra danh tính của lão ta. Tên lão là gì? Lão đến từ đâu?”

Ông già cười khúc khích. Cô gái đánh rơi con búp bê và môi run lên.

“Ta đến từ mọi nơi,” – ông già bình tĩnh trả lời. – “Không nơi nào có đất lạ đối với ta cả. Và tên ta là Alexander.”

“Thế lão đang làm nghề gì?”

“Ta là người gieo hạt và cũng là người thu lượm,” – ông già bình thản trả lời. – “Tuổi trẻ ta gieo và thu hoạch lúa mì, nay ta gieo những lời tử tế và thu lại những lời kỳ diệu khác. Chỉ có điều là ta không biết chữ – nên ta đành phải tiếp nhận mọi thứ bằng tai, và trông cậy vào trí nhớ của mình.”

Người đàn ông tóc húi cua dừng lại, bối rối.

“Lão  có giấy tờ gì không?”

“Có thì cũng có, chỉ là không dành cho những người như anh, anh bạn thân mến ạ. Giấy tờ của ta quý lắm đấy.”

“Chà,” – người đàn ông với mái tóc húi cua nói, – “vậy thì chúng ta sẽ tìm ra người mà nó dành cho”.

Rồi ông ta bỏ đi, đóng sầm cửa lại.

“Một người đàn ông thô lỗ, chưa chín chắn,” – ông già nói tiếp sau khi dừng lại. – “Ở những người như vậy, cuộc sống chỉ diễn ra đơn điệu một màu”.

Bà lão đặt ấm samovar. Bà buồn bã than thở rằng bà không có lấy một viên đường nào trong nhà: bà đã quên mua nó. Ấm samovar phụ họa theo lời bà lão bằng tiếng reo rầu rĩ. Cô bé gái phủ lên bàn một chiếc khăn trải sạch và thô. Khăn trải bàn thoảng mùi bánh mì lúa mạch đen.

Bên ngoài cửa sổ đang mở, một vì sao cô đơn đang tỏa sáng. Nó trông lớn và mờ mờ – sự lẻ loi của  nó  dường như xa lạ giữa bầu bao la màu xanh lục.

Những buổi trà đêm không có gì lạ với tôi – từ lâu tôi biết rằng, vào mùa hè ở phương Bắc, người ta thường ít ngủ. Và vào lúc này, bên ngoài cửa sổ, ở cổng của ngôi nhà bên cạnh, có hai cô gái đang đứng ôm nhau ngắm nhìn mặt hồ mờ ảo. Mọi thứ xảy ra như mọi khi vào một đêm trắng, khuôn mặt của các cô gái dường như xanh xao đi vì niềm xúc động, vì nỗi sầu muộn và vẻ kiêu sa.

“Đó là hai thiếu nữ Komsomol người Leningrad,” bà già nói. – “Những cô con gái của các vị thuyền trưởng. Họ luôn đến đây mỗi mùa hè.”

Ông già ngồi nhắm mắt và im lặng, như đang lắng nghe. Rồi ông mở mắt và thở dài.

“Họ tới rồi!” – ông già buồn bã nói. – “Xin bà thứ lỗi cho tôi, vì để xảy ra điều ngu ngốc và phiền phức này.”

Cầu thang kêu cót két. Đã có quá nhiều người leo dọc lên nó. Người đàn ông với mái tóc húi cua bước vào mà không gõ cửa. Phía sau ông ta là anh cảnh sát tóc xù với vẻ mặt băn khoăn – đó người câu cá ở bến tàu. Người đàn ông với mái tóc húi cua hất đầu chỉ vào ông già.

“Nào lão”, – viên cảnh sát nghiêm nghị nói, – “Chúng ta xác định danh tính của lão nhé! Giấy tờ đâu?”

“Danh tính ta đơn giản thôi”, – ông già trả lời, – “lâu rồi mới kể. Hãy ngồi xuống và nghe nhé”.

“Khẩn trương đi!” – người cảnh sát nói. – “Tôi không có thời gian để ngồi, còn phải đưa lão về đồn.”

“Chúng ta sẽ dư thời gian để về đồn, anh bạn quý mến ạ, ở đồn chỉ nói chuyện vắn tắt, sẽ chẳng có ai để trao bầu tâm tư. Ta nay đã ngoài bảy mươi và ta sẽ chết đi không hôm nay thì ngày mai trong sân nhà của người khác. Vì vậy anh hãy nhịn mà nghe ta kể.”

“Vậy thì lão cứ việc”, – viên cảnh sát đồng ý. – “nhưng đừng rắc rối quá!”

“Rắc rồi làm gì cơ chứ!” Cuộc đời ta rất thuần túy, không có gì làm nó rắc rối cả. Tất cả những người mang họ Fedosyev như ta, từ xưa nay đều là người đánh xe ngựa và là ca sĩ. Ông nội ta, Prokhor là một ca sĩ vĩ đại, dọc suốt tuyến đường từ Pskov đến Novgorod, ông cất cao giọng hát như than van. Một người cần giữ gìn giọng hát của mình, và ông không phung phí nó cho người khác một cách vô ích. Ông của ta cẩn thận giữ gìn nó cho đến một ngày thì bị mất giọng. Anh bạn có thể đã biết hoặc không, có một người đồng hương nổi tiếng đã sống với chúng ta ở Pskov, đó là Alexander Sergeevich, nhà thơ Pushkin.”

Người cảnh sát cười mỉm:

“Tôi có biết điều này!”

“Vì ngài ấy mà ông của ta bị mất giọng. Họ gặp nhau tại hội chợ, trong tu viện Svyatogorsky. Ông nội ta đã hát và Pushkin đã lắng nghe. Sau đó, họ đến một quán rượu và ngồi lại đó cả đêm. Không ai biết họ đã trò chuyện những gì, chỉ biết rằng khi trở về nhà trông ông của ta rất phấn khích, như thể say rượu, mặc dù ông hầu như đã không uống gì. Rồi ông nói với bà của ta rằng: “Từ những lời nói và tiếng cười của người ấy, anh đã say, Nastya ạ, – những ngôn từ tuyệt diệu như thế – hay hơn bất kỳ bài hát nào của anh.” Ông nội ta có một bài hát mà Pushkin rất ngưỡng mộ.”

Ông già im lặng rồi đột nhiên cất tiếng hát với một giọng não nề:

“Ôi, trên những đồng trắng mênh mang.

Những giọt lệ đắng tuyết đã chôn vùi!”

Hai cô gái đi đến bên cửa sổ, ôm nhau lắng nghe. Người cảnh sát thận trọng ngồi xuống băng ghế.

“Đúng thế”, – ông già thở dài, – “bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ lúc ông cụ nhắm mắt khi đã trăm tuổi, ông đã dạy bảo con cháu của mình tiếp tục hát những bài ca đó. Tuy nhiên, ta không nói về điều này. Một ngày mùa đông nọ, người ta đánh thức ông của ta lúc giữa đêm, gõ cửa sổ và yêu cầu ông thắng ngựa chuẩn bị đi làm một việc khẩn cấp cho chính phủ. Ông bước ra khỏi hiên nhà, nhìn thấy có rất nhiều hiến binh đi xung quanh loảng xoảng với những cây kiếm sắt. Ông nghĩ rằng lần sẽ lại phải giải đi những người tù khổ sai. Tuy nhiên, không có tù nhân nào cả, mà đó là một chiếc quan tài màu đen nằm trên xe trượt tuyết, được buộc lại bằng dây thừng. Người này là ai, ông nghĩ,  kẻ đau khổ phải xuống mồ trong xiềng xích? Ai là kẻ mà ngay cả sau khi chết cũng khiến cho Sa hoàng phải sợ hãi? Ông đi tới chỗ quan tài, dùng găng tay phủi lớp tuyết trên chiếc nắp đen và hỏi người hiến binh: “Chúng ta đang đưa ai đi thế?” – “Pushkin”[2], – người hiến binh nói – “Anh ta bị giết ở Petersburg.” Ông của ta lùi lại một bước, cởi mũ và cúi đầu trước quan tài. “Chà, ông quen với anh ta hay sao?” – người hiến binh hỏi. “Tôi đã hát những bài ca cho anh ấy nghe.”- “Chà, giờ thì ông không còn hát cho anh ta nghe được nữa rồi!” Màn đêm trở nên nặng nề, dường như đặc lại, hơi thở trong lồng ngực ông như đông cứng. Ông buộc chuông lại để chúng không kêu leng keng, ngồi vào ghế rồi phóng cỗ xe đi. Chung quanh tĩnh mịch, chỉ nghe thấy tiếng vun vút của cỗ xe lao đi trong gió, tiếng những chiếc kiếm lách cách gõ vào quan tài. Trái tim ông như sôi lên, mắt ông rơm rớm lệ, dồn hết giọng ông hát: 

“Ôi, trên những đồng trắng mênh mang…”

Người hiến binh dùng bao kiếm đập vào lưng ông, nhưng ông hề không để ý, ông vẫn hát. Trở về nhà, ông nằm xuống giường, lặng thing: giọng ông lạnh như băng. Từ thời điểm đó cho đến khi qua đời, ông chỉ nói được với một giọng thủ thỉ khàn khàn.”

“Có nghĩa là ông ấy đã hát bằng cả trái tim mình,” anh cảnh sát lẩm bẩm, than thở.

“Tất cả mọi thứ, anh bạn thân mến ạ, phải xuất phải từ trái tim”, – ông già nói. – “Và anh đã định hỏi ta là ai và ta làm cái gì. Ta than van những bài ca. Đó là nghề nghiệp của ta. Đi giữa mọi người và ta hát. Ở những nơi nghe được một bài hát mới – ta sẽ ghi nhớ lại. Thí dụ như lời mà anh kể là một chuyện, và lời mà anh hát cũng cùng nội dung nhưng hóa ra lại là một chuyện khác” – anh bạn yêu quý ạ – “nó đi vào lòng người và làm cho trái tim rung động. Cần phải trân quý sức mạnh của tiếng hát. Những ai không thích ca hát là loại người không có quan niệm đúng đắn về cuộc đời. Và đừng lo lắng về giấy tờ, ta sẽ cho anh xem.”

Ông già với đôi tay run rẩy rút từ trước ngực một túi nhỏ màu xám và lấy ra một mảnh giấy.

“Đây, anh đọc nó đi!”

“Tại sao tôi phải đọc nó cơ chứ!” – viên cảnh sát cảm thấy như bị xúc phạm. – “Tôi không cần phải đọc nó vào lúc này. Tôi đã biết lão là ai. Ngồi xuống đi và hãy nghỉ ngơi. Còn ông bạn, người công dân”, – viên cảnh sát quay sang người đàn ông có mái tóc húi cua, – “sẽ tốt hơn nếu ông ngủ lại ở nhà của một nông dân, ở đó phù hợp hơn. Nào, tôi sẽ đưa ông đến đó.”

Họ đã đi ra ngoài. Tôi lấy tờ giấy từ tay ông già và đọc:

“Giấy này được trao cho Alexander Fedosyev chứng nhận rằng ông là một nhà sưu tập các bài hát dân gian và truyện cổ tích và ông nhận được tiền chu cấp từ chính phủ Cộng hòa Karelia[3] để làm việc này. Tất cả chính quyền địa phương được khuyến khích hỗ trợ ông bằng mọi cách có thể.”

“Ôi, buồn thật!” – ông già nói. – “Không có gì tệ hơn khi tâm hồn con người khô héo. Tàn úa đi vì sống một cuộc đời như vậy, như cỏ úa đi vì sương thu.”

Chúng tôi ngồi xuống uống trà. Hai cô gái ôm nhau đi đến hồ, những chiếc váy vải hoa dung dị của họ sáng lên cùng với ánh chạng vạng của màn đêm. Vầng trăng mờ chìm trong nước, một chú chim đêm rầu rĩ kêu than trong khu vườn, ở giữa những cây bạch dương.

Cô bé có đôi mắt ngời sáng đi ra phố, ngồi trước cổng ru con búp bê bằng vải vụn. Tôi nhìn thấy cô bé từ cửa sổ. Anh cảnh sát tóc xù tiến lại gần, dúi vào tay cô một gói đường viên và những chiếc bánh quy vòng.

“Hãy đưa nó cho ông cụ,” – anh nói và đỏ mặt. – “Hãy nói đó là một món quà. Bản thân chú không có thời gian, chú còn phải quay về đồn”.

Anh cảnh sát nhanh chóng rời đi. Cô bé mang về nhà gói đường viên và những chiếc bánh quy vòng. Ông già cười tươi.

“Ta sẽ sống,” – ông già nói, lau đôi mắt ngấn nước, – “thêm một thời gian dài nữa. Thật đáng tiếc khi phải chết, phải xa rời tình cảm của con người. Thật đáng tiếc biết bao! Khi ta nhìn vào rừng cây, vào làn nước sáng, vào những đứa trẻ và cả vào đám cỏ dại nữa, ta không đành lòng muốn chết.”

“Và ông sẽ tiếp tục sống, người đáng quý ạ!” – bà lão nói. – “Ông sẽ sống một cuộc sống nhẹ nhàng và dung dị, như cách mà ông đã sống.”

Đến chiều, tôi rời Voznesenye để đi Vytegra. Chiếc tàu hơi nước nhỏ “Svir” chạy dọc theo con kênh, mạn tàu chạm lướt vào những lùm cỏ mọc ven bờ.

Thị trấn chìm vào màn sương mờ đục nhẹ nắng, vào sự tĩnh lặng và xa vắng của một ngày hè, và rồi những khu rừng thấp đã choàng lấp lấy chúng tôi vào trong một vòng tròn bóng tối. Mùa hè nhợt nhạt của phương Bắc đang đến ở xung quanh, e thẹn như những đứa trẻ địa phương với đôi mắt sáng ngời.

MINH NGUYỄN dịch

Minh họa: N. Kuzmin, 1940.

Ghi chú

[1] Cá ốt-me: là một giống cá nhỏ, tên khoa học Osmerus eperlanus.

[2] Alexander Pushkin: nhà thơ vĩ đại người Nga. Ông qua đời ngày 29 tháng 1 năm 1837, sau khi bị trọng thương vì một cuộc đấu súng với Georges-Charles d’Anthès. Do sinh thời ông viết nhiều tác phẩm bất đồng chính kiến với chế độ Nga hoàng nên đám tang của ông bị hạn chế và cản trở, và cuối cùng thi hài của ông bị bí mật mang đi vào lúc nửa đêm từ Petersburg đến an táng ở gần tu viện Svyatogorsky ở tỉnh Pskov.

[3] Cộng hòa Karelia: là nước cộng hòa tự trị, nằm phía tây bắc nước Nga giáp với Phần Lan. Phía nam nước cộng hòa này là hồ Onega và hồ Ladoga, hai hồ lớn nhất của châu Âu.